Nghệ nhân đồng hồ Jochen Benzinger

Trong một khu phố yên tĩnh ở Pforzheim, thủ đô kim hoàn của Đức, có một xưởng chế tác được mệnh danh là “bảo tàng sống về nghệ thuật trang trí sắp thất truyền”. Tại đây, chúng ta có thể tìm thấy các công cụ cổ điển và động cơ thủ công tưởng chừng như đã biến mất rất lâu trong giới chế tác. Không gian cổ xưa này cũng là nơi náu mình một vị “phù thủy” đồng hồ đương đại Jochen Benzinger, chủ nhân của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được những người đam mê cơ học trên toàn thế giới trân trọng.

T

hật khó để tóm tắt được hết cuộc đời huy hoàng của Jochen Benzinger khi ông là một người nghệ sỹ xuất sắc đã nhận được vô vàn lời ngợi ca trong giới đồng hồ. Ông chính là nghệ nhân duy nhất có thể “tạo khung” và trang trí các bộ máy phức tạp chỉ bằng chính đôi bàn tay tài hoa của mình.

Thế nhưng, ít ai biết được rằng Jochen Benzinger lại không có xuất phát điểm từ ngành công nghiệp này và mối duyên với những tạo tác thời gian lại đến một cách rất tình cờ. Ông cho biết: “Tôi được đào tạo để trở thành một nghệ nhân chạm khắc trang sức. Đó là lý do vì sao tôi luôn tự gọi mình là thợ chế tạo đồng hồ chứ không phải nhà sản xuất đồng hồ”. Những năm tháng trẻ trung mới ngoài 20, ông đã mua lại một xưởng chạm khắc trang sức nhỏ được trang bị sẵn các máy quay động cơ guilloche. Thật không may, đó lại là giai đoạn thoái trào của loại trang sức này, vậy nên Jochen Benzinger phải tìm kiếm một hướng đi mới.

Những chiếc đồng hồ lên dây cót bằng tay luôn có sức quyến rũ đặc biệt với người nghệ sỹ tài năng, vậy nên ông bắt đầu thử nghiệm cắt trên mặt số. Ông đã sử dụng một chiếc cưa đơn giản để cắt bớt các bộ phận trên mặt số tạo nên kết cấu lộ khung xương, từ đó hé mở các hoa văn chạm khắc guilloche được bảo vệ cẩn thận sau lớp kính sapphire trong suốt.

Jochen Benzinger trong quá trình chế tác đầy tỉ mỉ

Những mặt số đầu tiên “xuất xưởng” lại chính là các phiên bản thuộc về một số dòng nổi tiếng của Chronoswiss và IWC. Với thành công ban đầu đó, ông đã nhanh chóng tạo ra một thị trường ngách cho những chiếc đồng hồ kết hợp guilloche, lộ cơ và chạm khắc; tái thiết kế lại chúng bằng một tư duy nghệ thuật trên cả tuyệt vời. Đến hiện tại, xưởng của ông có lẽ là nơi duy nhất cung cấp chỉ một (hoặc hai) mặt số cắt thủ công cho mỗi thiết kế đồng hồ. Sự khan hiếm này khiến cho giá trị của chúng nhanh chóng tăng vọt.

Hầu hết đồng hồ của ông đều được chế tạo với mặt số trên và dưới. Ví dụ, chiếc Black Lizard có mặt dưới bằng da thằn lằn đen, mặt trên bằng bạc sterling mạ vàng hồng và rhodium đen. Tấm đế với hoa văn guilloche dạng tia. Ông đã mạnh dạn cải tạo lại bộ chuyển động để hiển thị giờ và phút gần với vị trí 12 giờ hơn. Sau đó, ông đã tạo khung xương theo phong cách hoa lá, đồng thời thêm núm vặn xanh dương và bánh cóc cùng các kim thép “Breguet” mạ vàng hồng.

Chiếc đồng hồ Black Lizard với mặt số bên dưới bằng da thằn lằn

Một ví dụ điển hình về nghệ thuật chạm khắc guilloche của Jochen Benzinger là chiếc Subscription IV Silver Blue bao gồm mặt số phía dưới màu bạc với họa tiết tia xanh mạ ở chu vi tương phản với mặt số phía trên được phủ PVD màu đen có một lỗ hở để lộ ra vết chạm trổ mạ rhodium màu trắng ở trung tâm. Hiệu ứng thị giác đầy mê hoặc được nâng cao nhờ vỏ thép, kim thép đánh bóng theo phong cách Breguet và đường khâu màu xanh lam trên dây đeo bằng da cá sấu.

Subscription IV Silver Blue mang hiệu ứng thị giác đầy mê hoặc

Tại xưởng của mình, Jochen Benzinger sở hữu đầy đủ máy móc thủ công để thực hiện từng bước và có thể chạy một số dự án song song cùng lúc. “Tôi sử dụng động cơ Rose để cắt các mặt số tròn trong khi các máy thẳng dành cho hầu hết các bộ phận khác”. Jochen Benzinger cũng thích hợp tác với các nhà thiết kế khác và đồng thời sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký “Grieb & Benzinger” cùng với thợ làm đồng hồ nổi tiếng Hermann Grieb. Họ cùng nhau tạo ra những chiếc đồng hồ vận hành nhờ các bộ máy lịch sử hiếm có được thu thập từ nhiều cuộc đấu giá nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Cận cảnh thao tác cùng với máy móc tại xưởng của Jochen Benzinger

“Chúng tôi sẽ sửa đổi kỹ thuật và trang trí lại cho từng bộ máy trước khi bọc chúng lại bằng vàng hoặc bạch kim. Blue Sensation là một sự sáng tạo như vậy: Bộ máy lên dây cót thủ công ban đầu là chiếc Patek Philippe năm 1889 được bán cho Tiffany New York vào năm 1890. Chúng tôi đã sửa đổi bộ máy này thành đồng hồ bấm giờ điều chỉnh giây, trang trí thêm theo một cách tinh tế và tạo ra bộ vỏ bằng bạch kim 950 mới”.

Blue Sensation được “tân trang” bằng bộ vỏ bạch kim mới

Tuy nhiên, niềm đam mê thực sự của ông chính là tạo ra những kiệt tác được cá nhân hóa phù hợp với mong muốn và thông số kỹ thuật của từng khách hàng: “Tôi bị ám ảnh bởi việc chế tạo chiếc đồng hồ mơ ước cho riêng từng người! Tôi rất mong họ có thể tận hưởng từng giờ, từng phút mỗi khi nhìn vào nó” – Jochen Benzinger hào hứng chia sẻ.

Patek Philippe Vollskelett Vorne – một trong những tác phẩm nổi bật của Jochen Benzinger

BẠN SẼ THÍCH

DOANH NHÂN TÀI NĂNG

FRÉDÉRIC ARNAULT
Bật Mí Về Người Thừa Kế Xuất Chúng Của LVMH

ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU

ANYA TAYLOR-JOY
Khám Phá 9 Thập Kỷ Của ‘Reverso Stories’

CHÂN DUNG

PAIGE PARKER
Ngợi Ca Nữ Quyền Bằng Tình Yêu Trang Sức

DOANH NHÂN TÀI NĂNG

CINDY YEUNG
Câu Chuyện Của Nữ Thừa Kế Xinh Đẹp

DOANH NHÂN TÀI NĂNG

CLEMENCE DUBOIS
Trò Chuyện Về Chiến Lược Bền Vững Của Girard-Perregaux