Trong hành trình chinh phục thị trường phương Đông, các ‘ông lớn’ đến từ châu Âu, nơi vốn mệnh danh là cái nôi ngành công nghiệp đồng hồ, buộc phải ‘dè chừng’ trước những cái tên như Grand Seiko, Seiko, Citizen, Orient hay Atelier Wen. Trỗi dậy như một cơn lốc mạnh mẽ, họ thiết lập vị trí vững chắc bằng vô vàn thiết kế chất lượng, in đậm bản sắc châu Á.
B
ước lên ‘chuyến tàu quá khứ’, chúng ta trở về khám phá các nền văn minh cổ đại, khi nhân loại lần đầu tiên quan sát thiên thể di chuyển trên bầu trời. Trước những chiếc đồng hồ đương đại, con người sớm phát triển loạt cơ chế hấp dẫn hỗ trợ việc đo đếm dòng chảy năm tháng không ngừng trôi đi. Bắt nguồn từ Ai Cập cổ đại, đồng hồ mặt trời được người Babylon, Hy Lạp và Trung Quốc sử dụng. Trong khi đó, đồng hồ nước Hồi giáo sở hữu độ phức tạp vô song xuất hiện vào thời trung cổ cho đến giữa thế kỷ 14. Đồng hồ nhang khai sinh ở Ấn Độ và phổ biến tại Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6. Và sau đấy, đồng hồ cát – phát minh của người châu Âu – là một trong số ít phương pháp đo thời gian đáng tin cậy trên biển.Tuy vậy, mãi cho đến khi khái niệm đo đếm thời gian tồn tại trên khắp thế giới thì đồng hồ đeo tay mới chính thức ra đời ở phương Tây. Dẫu chưa ai có thể khẳng định chính xác nhà phát minh, một số người lập luận rằng châu Âu – Thụy Sỹ, Đức và Anh – đóng vai trò ngôi nhà tinh thần của ngành sản xuất đồng hồ cơ.
Lịch sử đương đại đã chứng kiến sự trỗi dậy nhanh chóng của các nhà sản xuất đồng hồ châu Á, mang đến cho ngành công nghiệp lâu đời này tinh thần hứng khởi cùng năng lượng sáng tạo mới mẻ. Khi người châu Á chế tạo đồng hồ cho người châu Á, điều đó đồng nghĩa rằng kích thước vỏ nhỏ hơn gắn liền quy tắc thẩm mỹ được rút ra từ chính ngôn ngữ thiết kế của khu vực, tinh thần đổi mới không bị giới hạn bởi di sản cùng lịch sử lâu dài, để từ đó định hình bản sắc riêng ấn tượng.
Không chỉ đóng vai trò quê hương của nhiều nhà sản xuất đồng hồ châu Á mang tính lịch sử và đáng chú ý nhất như Seiko, Citizen, Orient và Casio, Nhật Bản còn là nơi truyền thống đo đếm thời khắc phát triển cực thịnh ở phương Đông. Vào những năm 1890, các thợ đồng hồ Nhật bắt đầu chế tạo đồng hồ bỏ túi trang bị bộ thoát đòn bẩy. Theo Japan Clock & Watch Association, vào năm 1912, ‘xứ sở mặt trời mọc’ đã có 20 nhà máy sản xuất gần 4 triệu chiếc đồng hồ mỗi năm. Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra và tàn phá hoàn toàn ngành công nghiệp này – giống như đã xảy ra với ngành sản xuất đồng hồ ở Đức – nhưng các nhà công nghiệp đã tuyên bố trong thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh những năm 1960 rằng một ngày nào đó Nhật sẽ trở thành cái nôi của ngành chế tạo đồng hồ châu Á. Lời tiên đoán đã trở thành hiện thực khi các hãng đồng hồ nổi tiếng cho đến thương hiệu quy mô nhỏ, trẻ hơn, như Naoya Hida và Hajime Asaoka, cùng nhau tạo nên nhãn hiệu “Made in Japan” được trọng vọng trên toàn cầu vì nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ cho haute horlogerie.
Ở đất nước Trung Quốc rộng lớn, lịch sử của các nhà sản xuất đồng hồ hơi khác một chút do họ vốn đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất linh kiện trong bối cảnh toàn cầu. Bởi lẽ, một chiếc đồng hồ dán nhãn ‘Swiss-made’, chỉ cần thỏa yêu cầu 60% thành phần sản xuất tại Thụy Sỹ. Phần còn lại thường nhập khẩu từ các nhà máy sản xuất phức tạp đặt trụ sở ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, nơi có quy trình sản xuất nhanh chóng, đạt tiêu chuẩn cùng giá cả phải chăng. Thành lập vào những năm 1950, Tianjin Seagull là nhà sản xuất bộ máy lớn nhất thế giới, trong khi các bộ máy tourbillon xuất xưởng Peacock Liaoning đã có mặt ở nhiều hãng đồng hồ danh tiếng. Dựa trên chuỗi dài thành công, Trung Quốc chuyển từ chỉ sản xuất linh kiện sang tạo ra những chiếc đồng hồ hoàn chỉnh, với những cái tên nổi bật, như Atelier Wen và Celadon, thu hút sự chú ý từ các đối tác Thụy Sỹ.
Sự quan tâm rộng rãi đến ngành đồng hồ của người sành khu vực Đông Nam Á là nhờ đông đảo nhà bán lẻ tích cực giới thiệu tinh hoa các thương hiệu truyền thống đến từ Thụy Sỹ ra phạm vi toàn cầu vào những năm 1950. Một cộng đồng nhà sưu tập không ngừng phát triển cuối cùng đã mang đến cơ hội cống hiến cho đội ngũ thợ đồng hồ, như Ming Malaysia và Azimuth Singapore, những người nổi tiếng về chuyên môn thủ công, khát vọng sáng tạo, đổi mới đã gây chú ý ngay cả ở châu Âu. Với gu thẩm mỹ sành điệu, giới mộ điệu trẻ thể hiện sự quan tâm ngày càng đặc biệt cho các sản phẩm khai sinh bởi những thương hiệu này, qua đó tạo động lực mạnh mẽ để họ không ngừng tiến lên trong hành trình khẳng định bản sắc châu Á trên trường quốc tế.
Thực tế trên đây khiến chúng ta suy ngẫm rằng: điều gì thực sự khiến các nhà sản xuất đồng hồ châu Á trở nên độc đáo? Phải chăng, đó là một bản sắc vẫn đang được rèn giũa với chất lượng hoàn hảo cùng khả năng sáng tạo vô biên. Theo vòng xoay bất tận, thời gian luôn là một câu chuyện dài nhiều chương hồi đang được đội ngũ thợ chế tác đồng hồ phương Đông – cùng với đồng nghiệp phương Tây – miệt mài kể theo vô vàn cách rất đỗi cuốn hút.