Trên mặt số của một chiếc đồng hồ xa xỉ, hai chữ “Swiss Made” không chỉ là một dấu hiệu xuất xứ mà còn là biểu tượng của sự chính xác tuyệt đối, của tay nghề bậc thầy và của truyền thống kỹ nghệ trường tồn. Nhưng đằng sau biểu tượng tưởng như bất biến ấy là một câu chuyện phức tạp, nơi mà thực tế sản xuất và kỳ vọng của người tiêu dùng có thể không còn thỏa mãn được nhau.

K

hông ngành công nghiệp nào gắn liền với một quốc gia sâu sắc như đồng hồ với Thụy Sỹ. Dù Đức, Nhật hay Pháp có thể sản xuất những cỗ máy thời gian đỉnh cao, nhưng chỉ “Swiss Made” mới mang theo sự gợi nhắc về những xưởng chế tác tĩnh lặng giữa một trời lồng lộng tuyết trắng, nơi những nghệ nhân miệt mài hoàn thiện từng bánh răng. Từ cuối thế kỷ XIX, khi Geneva nổi lên như trung tâm đồng hồ châu Âu, và đặc biệt sau Thế chiến II, Thụy Sỹ đã chính thức trở thành thánh địa của giới chế tác cơ khí chính xác – một danh hiệu danh giá mà họ gìn giữ tới tận hôm nay.

Swiss Made là biểu tượng của sự chính xác tuyệt đối, tay nghề bậc thầy và truyền thống kỹ nghệ trường tồn

NHỮNG NGÃ RẼ BẮT NGUỒN TỪ “SWISS MADE”

Nhưng định nghĩa của “Swiss Made” không đơn giản như cái nhìn lãng mạn của công chúng. Từ năm 1971, luật Thụy Sỹ đã quy định rằng ít nhất 60% chi phí sản xuất bộ máy đồng hồ (movement) phải được chi tiêu trong nước để chiếc đồng hồ đủ điều kiện gắn nhãn “Swiss Made”. Đến năm 2017, luật này được sửa đổi theo hướng nghiêm ngặt hơn: không chỉ bộ máy, mà toàn bộ đồng hồ (trừ dây đeo) phải đạt ngưỡng 60% chi phí sản xuất tại Thụy Sỹ, đồng thời 100% chi phí phát triển kỹ thuật cũng phải được thực hiện trong nước.

Thoạt nhìn, luật mới có vẻ nâng cao tiêu chuẩn. Nhưng thực tế, nó mở ra nhiều kẽ hở hơn là giới hạn. Ví dụ, luật yêu cầu bộ máy phải “được làm tại Thụy Sỹ”, nhưng định nghĩa “làm ra” lại chỉ yêu cầu “lắp ráp một phần” tại Thụy Sỹ. Chưa hết, nếu các linh kiện được nhập từ những quốc gia có hiệp định thương mại đặc biệt với Thụy Sỹ như Trung Quốc thì tỷ lệ này có thể được điều chỉnh linh hoạt hơn nữa, miễn sao tổng chi phí đạt yêu cầu.

Luật Thụy Sỹ quy định 60% chi phí sản xuất bộ máy phải được chi tiêu trong nước để chiếc đồng hồ đủ điều kiện gắn nhãn “Swiss Made”

Kết quả là, một chiếc đồng hồ với hầu hết linh kiện được sản xuất tại châu Á, chỉ cần được lắp ráp sơ bộ, kiểm tra cuối cùng và có một linh kiện đắt đỏ sản xuất tại Thụy Sỹ – ví dụ như bánh xe cân bằng -vẫn có thể đường hoàng mang dấu ấn Swiss Made. Khái niệm “sản xuất” – hay manufacture – trong tiếng Pháp còn rộng hơn, bao gồm cả thiết kế, phát minh và lắp ráp. Điều này tạo ra nhiều vùng xám về nguồn gốc linh kiện. Romain Marietta – Giám đốc sản phẩm của Zenith – từng chia sẻ rằng hãng tự thiết kế và sản xuất bộ máy in-house, nhưng cũng thừa nhận “vẫn phải mua một số linh kiện từ nơi khác”. Đó là thực tế của phần lớn các thương hiệu đồng hồ, kể cả những cái tên lâu đời nhất.

Romain Marietta – Giám đốc sản phẩm của Zenith

Một ví dụ gây tranh cãi là bộ truyền động – gear train – hệ thống bánh răng điều khiển kim đồng hồ. Đây là phần cực kỳ quan trọng về cả kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Nhưng theo luật hiện hành, chỉ cần bộ phận này được thiết kế tại Thụy Sỹ, sau đó được lắp lại vào bộ máy trong nước, dù toàn bộ bánh răng được sản xuất tại nước ngoài, thì vẫn hợp lệ. Với các nhà sưu tập kỳ cựu như David Flett, điều đó là không thể chấp nhận. “Nếu không làm tại Thụy Sỹ, bởi bàn tay người Thụy Sỹ, thì không thể gọi là ‘Made in Switzerland’. Nó nên được ghi là ‘Assembled in Switzerland’ thì sẽ rõ ràng và trung thực hơn” – ông nói.

PHÍA SAU NHỮNG GIẤC MƠ

Không phải ai cũng bị sốc khi biết sự thật. Với nhiều thương hiệu, đây là cách để cân bằng giữa chất lượng, chi phí và khả năng tiếp cận thị trường. Các vật liệu hiện đại như ceramic, carbon hay titanium vốn hiếm tại Thụy Sỹ thì thường được gia công tại châu Á, nơi có hạ tầng sản xuất chuyên sâu và chi phí thấp hơn đáng kể. Lương trung bình của công nhân Thụy Sỹ vào khoảng 75.000 USD/ năm, trong khi tại Trung Quốc là 15.000 USD và Ấn Độ chỉ khoảng 6.000 USD. Nếu sản xuất toàn bộ tại Thụy Sỹ, giá bán mỗi chiếc đồng hồ sẽ đội lên chóng mặt.

Tại phân khúc phổ thông và trung cấp, việc nhập linh kiện từ châu Á là điều gần như tất yếu. Frederique Constant, thương hiệu nổi tiếng với mức giá dễ tiếp cận, công khai rằng họ đặt mua vỏ và mặt số từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. “Chúng tôi chỉ cần đảm bảo rằng tỷ lệ chi phí ở Thụy Sỹ luôn ở mức hợp lệ bằng cách chọn một mặt số sản xuất nội địa” – Giám đốc điều hành Niels Eggerding giải thích. Chính sự kết hợp khéo léo giữa nội địa và nhập khẩu đã giúp họ đưa những mẫu lịch vạn niên hay tourbillon xuống mức giá dưới 16.000 USD – điều từng là không tưởng vài năm trước đây. Một khi tiêu chuẩn bền vững mới của châu Âu được áp dụng để buộc các thương hiệu phải minh bạch về nguồn gốc sản xuất, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng. Eggerding thậm chí gọi việc thiếu minh bạch hiện tại là một hình thức “lừa dối có chủ đích”.

Frederique Constant Classics Premiere

NHỮNG NGHỆ NHÂN ĐI BÊN LỀ LỢI NHUẬN

Dù phần lớn thị trường phải chấp nhận tính công nghiệp hóa của Swiss Made thì vẫn còn đó những cá nhân sống trọn vẹn với lý tưởng truyền thống. Philippe Dufour, một bậc thầy đồng hồ sống tại Vallée de Joux, tỉ mỉ làm từng chiếc đồng hồ bằng tay trong xưởng nhỏ không khác gì thế kỷ XIX. Hay Rexhep Rexhepi – nhà sáng lập Akrivia – giữ trọn quy trình từ thiết kế đến hoàn thiện tại Geneva.

Những cá nhân xuất sắc này đang góp phần gìn giữ ánh hào quang thuần khiết cho danh hiệu Swiss Made, nhưng số lượng sản phẩm họ làm ra lại vô cùng giới hạn và được các nhà sưu tập xếp hàng chờ nhiều năm. Tất nhiên, phần đông người mua không tiếp cận được những chiếc đồng hồ “Swiss Made đúng nghĩa” như vậy. Họ thường mua vì giá trị biểu tượng mà không hề biết ba chữ ấy có thể hàm chứa một hành trình sản xuất vòng quanh địa cầu.

Trái sang phải: Bậc thầy đồng hồ Philippe Dufour và Rexhep Rexhepi – nhà sáng lập Akrivia

RANH GIỚI CỦA NIỀM TIN

Vì đâu mà nhiều thương hiệu không công bố rõ ràng về xuất xứ linh kiện? Một phần vì cạnh tranh, và một phần vì tính bảo mật thương mại. Một nghiên cứu nội bộ của ngành công nghiệp đồng hồ cho thấy: cùng một mẫu thiết kế, người tiêu dùng sẵn sàng trả gấp đôi nếu có dòng chữ Swiss Made trên mặt số. Và nếu sự thật bị che giấu quá lâu bỗng nhiên bị tiết lộ, cái giá có thể là chính sự uy tín mà ngành công nghiệp này đã dày công xây dựng trong suốt hàng thế kỷ. Trong thế giới, nơi mỗi giây phút đều có giá, sự chính xác không nên chỉ là chuyện của bánh răng mà còn là câu chuyện của sự minh bạch trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Akrivia Rexhep Rexhepi tự hào mang nhãn hiệu “Swiss Made”

BẠN SẼ THÍCH

THỊ TRƯỜNG

LUXURY GOLD WATCHES
Tuyên Ngôn Của Những Chiếc Đồng Hồ Vàng

Métiers d'Art

JAEGER-LECOULTRE
Reverso One ‘Precious Flowers’

COMPLICATIONS

BIVER
Minute Repeater Carillon Tourbillon Signature Series Two Tone

CHẤT LIỆU MỚI

F.P. JOURNE
Chronomètre Furtif

CHẤT LIỆU MỚI

ARTYA GENEVE
Purity Wavy Central Tourbillon Purple 40mm