Đầu tháng 11 vừa qua, nhà làm phim trứ danh James Cameron đã giới thiệu đến công chúng mẫu đồng hồ lặn mới nhất của Rolex – Oyster Perpetual Deepsea Challenge. Giới hạn về độ sâu cho một chiếc đồng hồ lặn nay lại được thương hiệu Thụy Sĩ mở rộng lên đến 11.000 mét, đồng nghĩa với việc chiếc đồng hồ có khả năng đồng hành cùng thợ lặn trong mọi môi trường: lặn tự do, lặn dưới nước hoặc trong buồng siêu áp. Tạo tác này được thiết kế để biến áp lực trở thành đồng minh trong mọi tình huống và cũng là lời mời gọi chúng ta can đảm khám phá những vùng biển sâu thẳm.
T
rong gần 70 năm, Rolex đã đồng hành cùng những nhà thám hiểm, để phát triển những mẫu đồng hồ công cụ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những mẫu đồng hồ đó đã trở thành biểu tượng và tiêu chuẩn chế tác đồng hồ trong thế giới lặn, cụ thể là chiếc Oyster Perpetual Submariner ra mắt năm 1953, Oyster Perpetual Sea-Dweller năm 1967 và mẫu Oyster Perpetual Rolex Deepsea năm 2008. Là thành quả của lĩnh vực này, Oyster Perpetual Deepsea Challenge đại diện cho một cột mốc mới trong hành trình nhân loại tiếp cận đáy đại dương.NHỮNG CHUYẾN LẶN LÀM NÊN LỊCH SỬ
Câu chuyện bắt đầu với Deep Sea Special, một chiếc đồng hồ Rolex thử nghiệm được thiết kế để gắn vào bên ngoài một chiếc tàu ngầm nhằm kiểm tra khả năng chống lại áp suất của nó dưới đáy đại dương. Chiếc đồng hồ thử nghiệm này đã đồng hành cùng cuộc phiêu lưu của nhà vật lý người Thụy Sĩ – Auguste Piccard và chiếc tàu ngầm Trieste của ông. Chiếc tàu ngầm này được gắn thêm một quả cầu thép nặng, có khả năng chở tối đa ba hành khách xuống đáy biển ở độ sâu 3.150 mét (10.300 feet) ở biển Tyrrhenian, ngoài khơi quần đảo Pontine vào ngày 30 tháng 9 năm 1953. Chiếc đồng hồ thử nghiệm Deep Sea Special đã chống chịu được áp suất 3 tấn ở độ sâu như vậy một cách hoàn hảo. Vào ngày 23 tháng 1 năm 1960, tàu Deep Sea Special đã đạt được một kỷ lục lặn khác cùng nhà hải dương học Jacques Piccard và Trung úy Hải quân Hoa Kỳ Don Walsh tại rãnh Mariana. Nó được gắn vào bên ngoài của tàu ngầm Trieste, đồng hồ đã cùng lặn tới độ sâu 10.916 mét (35.814 feet).
Mãi đến ngày 26 tháng 3 năm 2012, một nhà thám hiểm khác – nhà làm phim James Cameron, mới lặn xuống rãnh Mariana một mình và đạt đến độ sâu 10.908 mét (35.787 feet). Cho đến thời điểm đó, chưa người nào có thể lặn sâu đến tận đáy đại dương. Chiếc đồng hồ Rolex thử nghiệm mới – Rolex Deepsea Challenge, đã được phát triển và gắn vào cánh tay thao túng trên tàu lặn của James Cameron.
TINH HOA CHẾ TÁC ẨN TRONG MỘT CHIẾC ĐỒNG HỒ LẶN ĐẶC BIỆT
Trong khi chiếc đồng hồ thử nghiệm năm 2012 được gắn vào tàu ngầm của James Cameron, thì phiên bản mới này được thiết kế để đeo trên cổ tay. Từ lớp vỏ đồng hồ cho đến dây đeo, mỗi chi tiết của chiếc đồng hồ 50 mm này đều phù hợp với mục đích sử dụng hàng ngày. Nếu phải kể ra một trong những điểm đặc biệt nhất của tân phẩm thì có lẽ đó chính là chất liệu hợp kim titan cấp 5 mang tên RLX Titanium. Được trang bị van thoát khí helium và hệ thống Ringlock, chiếc đồng hồ có khả năng đồng hành cùng thợ lặn trong bất kỳ môi trường nào – khi lặn tự do, lặn bằng tàu ngầm hoặc trong các buồng bội áp – đến độ sâu cực đại 11.000 mét (36.090 feet). Được trang bị hệ thống Ringlock, tân phẩm có thể chống lại áp suất tác động ở độ sâu 3.900 mét (12.800 feet), đồng thời hãng cũng lắp đặt van thoát khí heli giống như trên mẫu Rolex Deepsea trước đây. Trong mọi tình huống, Oyster Perpetual Deepsea Challenge đều có thể biến áp suất trở thành đồng minh của mình trong hành trình lặn xuống đáy biển sâu.
Oyster Perpetual Deepsea Challenge không phải là một chiếc đồng hồ bình thường mà đó là thành quả sau rất nhiều năm nghiên cứu đầy thách thức để có thể mang lại khả năng chịu áp lực cực lớn.
Đồng hồ cũng có một lớp sần đặc biệt dễ nhìn thấy bên trên lớp phủ satin của dây đeo và vỏ – ngoại trừ phần gờ bảo vệ nút lên dây. Để làm nổi bật dáng cong của vấu, các cạnh trên cùng đã được mài vát và đánh bóng. Vành xoay một chiều có vạch chia 60 phút của Deepsea Challenge cho phép các thợ lặn giám sát số lần lặn và giải nén của họ một cách chính xác và an toàn. Màn hình Chromalight, đặc trưng bởi vật liệu phát quang trên kim đồng hồ, vạch dấu giờ và đường viền trên vành đồng hồ xoay, là đặc điểm độc quyền của Rolex và được giới thiệu vào năm 2008 khi ra mắt mẫu Rolex Deepsea, giúp vị chủ nhân dễ đọc trong điều kiện ánh sáng hạn chế.
Được làm từ RLX Titanium, dây đeo Oyster của Deepsea Challenge trang bị cả mối nối khóa gạt Fliplock lẫn hệ thống Rolex Glidelock. Nhờ sự kết hợp của các công nghệ này mà chiếc đồng hồ có thể được đeo thoải mái bên ngoài bộ đồ lặn có độ dày tới 7 mm. Để tôn vinh các chuyến lặn lịch sử, Oyster Perpetual Deepsea Challenge còn được khắc dòng chữ “Mariana Trench” cũng như hai ngày kỷ niệm “23-01-1960” và “26-03-2012” trên nắp lưng.
Chiếc đồng hồ được trang bị bộ máy calibre 3230, ra mắt năm 2020, đảm bảo khả năng dự trữ năng lượng trong khoảng 70 giờ. Thành công này đạt được nhờ hai đặc điểm chính: vách hộp dây tóc mỏng hơn để có thể chứa một lò xo dài hơn và do đó tích trữ nhiều năng lượng hơn, tích hợp với cơ cấu hồi Chronergy. Được làm từ niken-phốt pho và đã được cấp bằng sáng chế, cơ cấu hồi Chronergy kết hợp hiệu suất năng lượng cao với độ tin cậy tuyệt vời và không bị ảnh hưởng bởi từ trường.