Pierre Salanitro có thể là một nhân vật không có quá nhiều tiếng tăm ngoài ngành đồng hồ, thế nhưng sự kiện ra mắt thương hiệu xa xỉ S by Salanitro do ông thành lập thì lại quy tụ rất nhiều nhân vật nổi tiếng như chủ tịch của Patek Philippe Thierry Stern, người sáng lập FP Journe François-Paul Journe hay nhà bán lẻ Michael Tay của The Hour Glass ở Singapore. Thành công của người đàn ông này không đến từ những bộ máy tinh vi mà là những viên đá quý thượng hạng – một trong những yếu tố làm nên sự xa xỉ của một chiếc đồng hồ.
SINH RA ĐỂ GẮN BÓ CÙNG ĐÁ QUÝ
P
ierre Salanitro được công nhận là một trong những nhà chế tác đá quý hàng đầu. Ông hiện đang điều hành 230 nhân sự với giá trị công ty ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu Franc Thụy Sỹ.Thierry Stern – nhà lãnh đạo lừng lẫy từ thương hiệu Patek Philippe – đã hết lời ca ngợi sự sáng tạo của Salanitro. “Khi chúng tôi nói chuyện cùng nhau, chúng tôi nói về sự sáng tạo. Ví dụ, anh ấy từng đề nghị hãy nạm kim cương trên đồng hồ vòm. Và anh ấy đã đúng, chúng thực sự quá đẹp. Anh ấy cũng có những ý tưởng tuyệt vời để thiết kế nên đồng hồ và gu thẩm mỹ tương đồng với tôi. Điều đó có nghĩa là khi Salanitro tạo ra một chiếc đồng hồ kim cương, nó phải thật “ngầu” đối với nam giới chứ không chỉ lấp lánh”.
Để khai thác khả năng sáng tạo vượt trội đó, S by Salanitro đã được thành lập. Salanitro cho biết: “Tôi có rất nhiều ý tưởng trong đầu và tôi đã ấp ủ điều này trong suốt nhiều năm”. Ông khẳng định rằng việc thành lập công ty mới không phải là một sở thích hay đam mê, mà là một công việc kinh doanh đáp ứng nhu cầu, mặc dù nhu cầu này không hề phổ biến trên thị trường (hiếm ai sẽ rút hầu bao để mua một bộ cờ Backgammon với giá 70.000 đến 80.000 Franc Thụy Sỹ).
“Tôi đã bị thuyết phục rằng đây là một thị trường ngách đầy tiềm năng khi đến Bangkok gặp gỡ khách hàng. Họ muốn những thứ độc đáo và sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có thể sở hữu một tạo phẩm đặc biệt”, Salanitro nói.
Salanitro bắt đầu sự nghiệp tại Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sỹ, thế nhưng chỉ khi ông đến thăm xưởng chế tác đá quý của gia đình một người bạn, ông mới thật sự biết được đam mê của mình là gì. Ông chia sẻ: “Tôi thích làm mọi thứ bằng chính đôi tay của mình và nhìn thấy kết quả, đặc biệt là trên những vật liệu quý giá. Trong nhiều tháng, ông vừa làm việc ở tiệm kim hoàn trong ba giờ vào buổi sáng trước khi đến ngân hàng làm việc, sau đó quay lại làm thêm ba giờ đến tận tối muộn.
Tiếp đó, ông thành lập một xưởng chế tác nhỏ tại nhà và tiến hành sửa chữa cho các thợ kim hoàn địa phương. Bước đột phá dẫn lối ông bước vào ngành công nghiệp đồng hồ đã đến khi ông được đặt hàng bởi thương hiệu Piaget. Và khi ông bắt đầu cộng tác cùng Rolex và Patek Philippe, cánh cửa sự nghiệp đã được mở ra.
Xưởng chế tác đầu tiên của Pierre Salanitro có 12 nhân viên và được đặt tại quận Acacias, Geneva; gần trụ sở chính của Rolex. “Các thương hiệu lớn muốn giao dịch với một đối tác chứ không phải với nhiều nhà cung cấp khác nhau. Kết quả là một số doanh nghiệp nhỏ hơn đã sử dụng các nhà thầu phụ”, ông giải thích. Salanitro cũng đã nắm bắt lấy cơ hội để thành lập công ty tổng hợp chuyên cung cấp các dịch vụ thiết kế, chế tạo vỏ, làm dây đeo tay và đánh bóng. Tiếp đến, ông bắt đầu mua lại các xưởng nhỏ hơn.
“Xưởng chế tác đầu tiên tôi mua là Serti Concept khi người chủ sở hữu muốn nghỉ hưu, với chi phí khoảng 900.000 Franc Thụy Sỹ. Tiếp ngay sau đó, tôi mua một doanh nghiệp chuyên đánh bóng nhỏ tên là Polifer, có bảy nhân công, với giá khoảng 300.000 Franc”. Ông hồi tưởng lại.
Khoản đầu tư lớn nhất của Salanitro là vào Sertis Créations đi kèm quyền sử dụng 50 nhân viên. “Họ từng là đối thủ cạnh tranh chính của tôi nhưng đã gặp rắc rối trong kinh doanh. Đó cũng là khoản đầu tư lớn nhất trị giá 6 triệu franc Thụy Sỹ và mang lại một số khách hàng mà tôi chưa từng hợp tác trước đây”.
Ngoài Richemont, Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet, Salanitro còn làm việc cho LVMH. Đặc biệt hơn, công ty của ông còn nhận được sự đầu tư từ Patek Philippe. Con số tỷ lệ cụ thể tuy không được tiết lộ nhưng chắc chắn không nhỏ, bởi lẽ, hãng đồng hồ Thụy Sỹ đang ngày càng tăng cường sản xuất phụ kiện trang sức cho cả nam và nữ.
S BY SALANITRO – VINH QUANG CHO SALANITRO
Trong hơn ba mươi năm, Pierre Salanitro luôn tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về nghề thủ công, tôn trọng truyền thống và đổi mới, dịch vụ lẫn tinh thần trách nhiệm đối với khách hàng của mình, kết hợp với sự độc lập tự tin và các giá trị gia đình mạnh mẽ. Chính điều đó đã mang đến cho nhà chế tác tài ba tầm nhìn vượt trội để mang đến những tuyệt phẩm ấn tượng chưa từng xuất hiện trước đó trên thị trường. Một trong số đó là bộ cờ Backgammon mang tinh thần Haute Couture và savoir-vivre đỉnh cao. Bộ cờ được chế tác từ các loại gỗ của đất nước Thụy Sỹ và bọc bằng da. Các quân cờ được khảm kim cương đen hoặc ngọc bích xanh dọc theo viền cũng như 24 điểm trên bàn cờ. Chiếc cốc lắc xí ngầu được hoàn thiện hoàn toàn bằng da antraxit, mang logo S by Salanitro; trong khi hai viên xí ngầu được đính 137 viên kim cương đen tạo hình thành những con số.
Trong buổi triển lãm tại Gallery Bailly, thưởng khách còn được chiêm ngưỡng những chiếc mặt nạ bằng sơn đỏ và kim cương lấy cảm hứng từ nghệ thuật bản địa. Ông và các nghệ nhân đã tạo ra những chiếc mặt nạ bằng vermeil, tức là bạc mạ vàng, vì đây là kim loại được sử dụng cho đồ trang sức cổ. Tuy nhiên, bộ phận Bespoke của thương hiệu lại hoàn toàn có thể cung cấp mặt nạ bằng mọi chất liệu khác theo yêu cầu khách hàng.
Lấy cảm hứng từ những con bê được người Mexico nuôi, một chiếc gương trang trí hình đầu lâu đã được giới thiệu và gây ấn tượng bởi sự xuất hiện của 1.277 viên đá quý, trong đó mỗi viên đều có một giá trị biểu tượng và tượng trưng cho một đức tính tốt của con người. Vật phẩm là thành tựu hợp tác với nhà thiết kế và trang trí nội thất có trụ sở tại Geneva, Aline Erbeia, một người bạn lâu năm của Pierre Salanitro. Mỗi năm, anh đặt mục tiêu giới thiệu mười tấm gương mới, lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác nhau.