Âm thầm trưởng thành bên dưới làn nước êm đềm, ngọc trai vô tình ‘quá bước’ đến thế giới ngự trị bởi con người tự thuở xa xưa. Ở chính nơi đây, vẻ đẹp khiêm nhường mà đầy cuốn hút thuộc về ‘nữ hoàng các loài ngọc quý’ kiêu hãnh tỏa sáng để rồi làm đắm say mãi mãi biết bao tín đồ sành trang sức cao cấp.
S
ự quan tâm dành cho loại ngọc quý này bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các nhà sản xuất cùng thợ kim hoàn thế giới bắt đầu thử nghiệm nhiều thiết kế hiện đại nhằm giải phóng ngọc trai khỏi dạng sợi cổ điển. Cụ thể, Mikimoto tung ra nhiều dòng sản phẩm phù hợp cho cả nam lẫn nữ. Là sản phẩm được săn lùng trong vô vàn bộ sưu tập phụ kiện thời trang mới nhất, ngọc trai hấp dẫn nhiều người nổi tiếng trẻ tuổi đến nỗi khiến nó trở thành một trong những xu hướng hot nhất hiện nay.“CUỘC ĐỐI ĐẦU” GIỮA NGỌC TRAI TỰ NHIÊN VÀ NGỌC TRAI NUÔI CẤY
Sự hình thành ngọc trai tự nhiên bắt đầu khi một chất kích thích, chẳng hạn như hạt cát hoặc ký sinh trùng biển, xâm nhập vào động vật thân mềm. Giữ vai trò cơ chế bảo vệ, màng mỏng bao quanh hệ thống cơ quan bên trong bắt đầu tiết ra các lớp bảo vệ gọi là xà cừ để bao bọc chất gây kích ứng, theo thời gian tạo thành một viên ngọc.
Mặc dù ngọc trai tạo bởi hàu tự nhiên có chất lượng đá quý phải mất khoảng hai năm để hình thành hoàn chỉnh, nhưng ngọc trai ở trong vỏ càng lâu thì lớp xà cừ càng dày, kích thước càng lớn và chất lượng càng cao. Hầu hết ngọc quý tự nhiên không bao giờ sở hữu dạng hình cầu hoàn hảo, mà có vô vàn hình dạng, màu sắc khác nhau bên cạnh nhiều nhược điểm.
Trong ngọc trai biển nuôi cấy, vỏ hạt nhân được cấy thủ công và để phát triển ít nhất từ hai đến bốn năm. Hình dạng mong muốn – nhất là hình tròn – chiếm từ 5 đến 10% tổng sản lượng thu hoạch, nhưng sự gián đoạn trong quá trình phân lớp xà cừ thường dẫn đến hình dạng: tròn, giọt nước, bầu dục, nút và kiểu baroque (không đều). Các điều kiện phát triển kiểm soát chặt chẽ cho phép nhiều viên ngọc đạt sự đối xứng hoàn hảo, độ bóng tinh tế và độ mịn nhất quán khó có thể thấy ở ngọc trai tự nhiên.
Màu sắc cùng kích thước ngọc trai nuôi phụ thuộc vào loài hàu. Ngọc trai từ hàu Akoya Nhật Bản và Trung Quốc màu trắng hoặc kem đồng thời có kích thước từ 3 đến 11mm. Hàu môi đen vùng French Polynesia tạo ra ngọc trai Tahiti đen, xám, xanh lá cây, tím và nâu có kích thước từ 7 đến 18mm. Trong khi đó, ngọc trai South Sea, nhỉnh hơn một chút với kích cỡ từ 8 đến 20mm, đồng thời khác biệt bởi màu trắng, vàng hoặc bạc, sinh trưởng trong cơ thể hàu bạc, hàu môi vàng phân bố ở Úc, Philippines và Indonesia. Mexico cũng đóng góp một lượng nhỏ ngọc trai Cortez đường kính từ 8 đến 14mm hiện diện trong nhiều màu sắc óng ánh nhờ ‘cư trú’ trong cơ thể loài hàu môi cầu vồng. Xanh lam là màu hiếm nhất có thể bắt nguồn từ bất kỳ loại nào ở trên. Các sản phẩm phụ có giá trị thấp hơn nhưng cũng được sử dụng trong chế tác đồ trang sức bao gồm ngọc trai bám vỏ, keshi nhỏ không nhân và xà cừ.
Chất lượng cùng giá cả ngọc trai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Màu sắc tổng thể được xác định bởi sự kết hợp của màu thân, âm bội (màu mờ chồng lên nhau) và định hướng (sự kết hợp của các màu lấp lánh bên dưới bề mặt). Độ bóng đề cập đến cường độ phản xạ ánh sáng. Lớp xà cừ càng dày thì chất lượng ngọc càng cao.
‘Báu vật’ khai sinh bên dưới làn nước êm đềm trải qua quy trình nhuộm, chiếu xạ (để làm tối màu) hoặc tẩy trắng có giá trị thấp hơn. Ngọc trai tròn là loại quý nhất, tiếp đến là ngọc trai hình giọt nước. Bề mặt càng không tì vết càng tốt. Sự phù hợp và đồng nhất là chìa khóa cho ngọc trai ở dạng chuỗi hoặc liên kết cùng loại ngọc trai khác trong một món trang sức.
Ngọc trai thường được đo bằng milimét, nhưng ngọc trai nuôi cấy rất lớn có thể tính trọng lượng bằng carat hoặc gam, trong đó một carat là 0,2g. Kích thước ngọc trai tự nhiên thường ước lượng bằng gren, trong đó một gren tương đương 0,25 carat. Cartier đã tạo ra một món đồ trang sức có thể biến đổi linh hoạt đảm nhiệm vai trò vương miện hoặc vòng cổ nhờ hệ thống trượt cải tiến, xuất hiện tại Biennale des Antiquaires Paris lần thứ 27 diễn ra năm 2014. Ẩn bên trong làn sóng ngọc trai và kim cương tuyệt đẹp là một cơ chế cực kỳ phức tạp cho phép người đeo thay đổi đường cong của viên ngọc khớp vào cổ hoặc trán. Nặng 166,18 gren (8,3 g), viên ngọc trai trung tâm hình giọt nước đối xứng với ánh bạc lộng lẫy có thể tháo rời, đeo như một mặt dây chuyền, từng thuộc sở hữu của Mary (1867-1953), nữ hoàng Anh đồng thời là vợ vua George V. Báu vật được bà trao lại cho con trai, George Lascelles, bá tước xứ Harewood, trước khi tặng cho vợ mình – Patricia – trong ngày cưới.
TRỖI DẬY MẠNH MẼ SAU NHỮNG THĂNG, TRẦM
Mặc dù có lịch sử lâu dài, ngọc trai đã vượt qua biết bao thăng trầm. Chắc chắn, thế kỷ vừa qua đã chứng kiến vô số khám phá cùng đổi mới quan trọng về loại ngọc này nhằm thu hút sự chú ý của giới mộ điệu trang sức. Một số người thậm chí có thể nói rằng viên ngọc trai đã hết lần này đến lần khác bị lấn át bởi những loại đá mới, hào nhoáng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đá quý vui mừng vì ngành công nghiệp thời trang và văn hóa đại chúng đã một lần nữa hồi sinh ngọc trai. Liệu ngọc trai nước ngọt giá rẻ hay ngọc trai giả giá rẻ có phải là mối đe dọa đối với hàng thật? Câu trả lời là hoàn toàn không! Jane Ki, Phó Giám đốc kiêm chuyên gia mảng trang sức đến từ hãng đấu giá Sotheby’s có trụ sở tại Hồng Kông, chỉ ra vai trò của Gabrielle “Coco” Chanel trong sứ mệnh khơi dậy cơn sốt ngọc trai sau khi tung ra dòng trang sức thời trang đầu tiên vào những năm 1920. Dòng sản phẩm kiêu hãnh khoe tổ hợp giả ngọc trai quá khổ. Thương hiệu cũng được ghi nhận rộng rãi vì luôn duy trì sức hấp dẫn qua nhiều thập kỷ. John Glajz, một nhà bán buôn kim cương có màu sắc lạ mắt ở địa phương, người từng điều hành doanh nghiệp ngọc trai Australian South Sea, Mondial Jewellers, vào những năm 90, cho biết thêm: “Giống như cách trang sức nạm kim cương giúp duy trì nhu cầu về kim cương, những viên ngọc trai cũng đang dấy lên cơn sốt tương tự”.
Ngoài xu hướng, các sự kiện trong thế giới thực cũng góp phần thúc đẩy sự phổ biến của ngọc trai. Nói một cách đơn giản, nguồn cung thấp làm tăng nhu cầu, do đó nâng cao giá trị. Khi nhiều yếu tố môi trường, như bệnh hàu, ô nhiễm nguồn nước, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo đã tàn phá ngành nuôi cấy ngọc trai, dẫn đến sự khan hiếm khiến giá tăng. Điều đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất là những sự kiện như vậy không hề có dấu hiệu dừng lại. Nhật Bản đặc biệt phải gánh chịu hậu quả nặng nề, như: thủy triều đỏ năm 1994, động đất ở Kobe – thủ phủ chế tác ngọc trai của ‘xứ sở mặt trời mọc’ – năm 1995, sóng thần năm 2011 và virus hàu bí ẩn năm 2019.
Stewart Young, Giám đốc Trang sức của Bonhams có trụ sở tại Hong Kong, nhấn mạnh sự vội vã hiện nay ở Trung Quốc trong việc mua ngọc trai nuôi cấy chất lượng cao do lo ngại rằng việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima hồi năm qua cuối cùng sẽ làm giảm sản lượng ngọc trai. Điều này bất chấp dữ liệu khoa học chỉ ra rằng mức độ phóng xạ của nước là không đáng kể, với động thái được Liên hợp quốc ủng hộ. Tương lai là điều ai cũng có thể đoán được, như Young và Ki nói, nhưng họ nói rằng thị trường thứ cấp vẫn có nguồn cung dồi dào. Cơn sốt ngọc trai năm 2023 trở nên mạnh mẽ một phần bắt nguồn từ việc Tiffany & Co. ra mắt bộ sưu tập capsule Schlumberger Bird on a Pearl, làm bằng ngọc trai Vịnh Ba Tư tự nhiên tuyệt đẹp đến từ kho tài sản cá nhân của nhà sưu tầm sành sỏi Hussein Al Fardan.
Trong khi việc buôn bán, đấu giá ngọc trai tự nhiên phổ biến hơn ở châu Âu và Mỹ, nơi chúng vốn rất được yêu chuộng, thì người châu Á đang bắt đầu đón nhận. Young giải thích thêm: “Người châu Á đã chi rất nhiều tiền cho ngọc trai nuôi cấy vào những năm 80 vì muốn chúng có màu trắng, tròn hoàn hảo. Họ không thích màu kem, hơi ngả vàng của ngọc trai tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thêm từ các cuộc đấu giá, cộng đồng xã hội cùng Internet, quan điểm vừa đề cập dần thay đổi. Đôi hoa tai ngọc trai tự nhiên mà Nữ hoàng Elizabeth II từng đeo không tương thích một cách hoàn hảo ở cả hai mặt và có màu hơi vàng”.
Ngày nay, trang sức nạm ngọc trai tự nhiên có thể đính mức giá gấp từ 10 đến hơn 100 lần so với ngọc trai nuôi cấy. Một viên ngọc trai tự nhiên thuộc về sở hữu của một vị công chúa với khóa kim cương bán bởi Sotheby’s gần đây vượt quá ước tính gấp sáu lần, đạt hơn 1,2 triệu USD. Nhiều món đồ trang sức di sản đã lập kỷ lục thế giới, chẳng hạn như mặt dây chuyền ngọc trai kết hợp kim cương của Nữ hoàng Marie Antoinette thế kỷ 18 được Sotheby’s bán với giá 36,2 triệu USD vào năm 2018. Những viên ngọc trai này thường có thiết kế cũng như kiểu dáng cũ, đôi khi nạm cùng nhiều loại đá quý khác, nhằm làm tăng thêm giá trị của chúng.
Đối với ngọc trai biển nuôi cấy, Glajz cho biết giá đã tăng gấp đôi trong ba năm qua. Ông cho biết viên ngọc trai South Sea lớn và hiếm được coi là quý nhất, trong khi màu trắng trở thành màu phổ biến, linh hoạt. Khi một món đồ mang thương hiệu hoặc nếu thiết kế của họ được nhà đấu giá đánh giá tốt thì giá trị sản phẩm tức thì tăng lên.
Thị trường ngọc trai tự nhiên và ngọc trai nuôi cấy rất khác biệt đồng thời có nhân khẩu học riêng. Thực tế, những nhà sưu tập trẻ tuổi đến với thị trường ngọc trai nuôi cấy vì mức giá hấp dẫn, dễ tiếp cận. Cuối cùng, điều quan trọng là người mua trân trọng ngọc trai biển như báu vật của thiên nhiên và có thể sẽ ngày càng hiếm hơn theo thời gian so với giá trị đầu tư thuần túy. Như lời thân vương phi Grace Kelly từng nói: “Ngọc trai muôn đời kiêu hãnh ngự trên ngôi cao và là viên ngọc quý rất được yêu chuộng bởi các nữ hoàng”.