Louis Vuitton lần nữa thể hiện động thái nghiêm túc trong chiến lược lấn sân sang vũ trụ haute horlogerie với Voyager Flying Tourbillon ‘Poinçon de Genève’ Plique-à-jour. Mang trong mình bộ máy flying tourbillon, Calibre LV 104, sở hữu kiến trúc độc đáo, chiếc đồng hồ mới vừa gợi nhắc thành tựu tự hào – chứng nhận Poinçon de Genève – mà tiền nhiệm 2016 từng chinh phục vừa tôn vinh nghệ thuật phủ men cổ, plique-à-jour.
V
oyager tách khỏi bộ sưu tập Tambour và tồn tại như dòng sản phẩm độc lập vào năm 2016. Trái ngược hoàn toàn với Tambour, Voyager có vành tròn tương thích vỏ hao hao hình trứng. Thú vị thay, cũng vào năm 2016, Voyager Flying Tourbillon vinh dự trở thành chiếc đồng hồ Louis Vuitton đầu tiên mang chứng nhận Poinçon de Genève (Geneva Seal), con dấu đáng thèm muốn, đòi hỏi một số tiêu chí nghiêm ngặt về kỹ thuật hoàn thiện, trang trí và độ chính xác của bộ máy sản xuất tại thủ phủ Geneva.Voyager Flying Tourbillon ‘Poinçon de Genève’ Plique-à-jour sử dụng bộ máy flying tourbillon, Calibre LV 104, trình làng năm 2016. Nó có kiến trúc độc đáo, chạy dọc theo vỏ và bắt trên những cầu nối hình chữ V, ngầm tỏ lòng lòng tri ân thương hiệu Louis Vuitton. Được sản xuất hoàn toàn nội bộ tại La Fabrique du Temps, ‘trái tim’ cơ học lên cót thủ công bao gồm 168 thành phần yêu cầu 120 giờ lắp ráp, đảm bảo dự trữ năng lượng trong 80 giờ.
Góp phần trang trí cho bộ máy skeleton, cửa sổ kính màu tuyệt đẹp là thành quả của quy trình ứng dụng plique-à-jour, từng phổ biến trong ngành kim hoàn và đồ tráng men của người Byzantine từ thế kỷ thứ 4. Kỹ thuật này cũng lan truyền nhanh chóng ở châu Âu và lần đầu tiên được ghi nhận ở Pháp vào thế kỷ 14. Ngày nay, rất ít nghệ nhân ‘đại lục già’ còn gìn giữ nghệ thuật truyền thống này. Louis Vuitton đã tìm thấy và cộng tác một vài người trong số họ để tạo ra những chiếc mặt số đầu tiên tại xưởng La Fabrique du Temps của Louis Vuitton.
Đội ngũ thợ tráng men bậc thầy đã chọn kỹ thuật ‘percé’, được coi là phức tạp nhất trong số các phương pháp plique-à-jour khác nhau. Men được ứng dụng vào tất cả không gian mà không cần bất kỳ lớp nền nào. Thông qua phương pháp lắp đầy truyền thống, nghệ nhân kiên nhẫn phủ sơn lên từng phần bằng cọ. Vì sơn không được phủ ở mặt sau mặt số mà ở các phần hở, thách thức đặt ra là người thợ tráng men phải làm việc rất nhanh và chính xác, đồng thời phân phối sơn đều, không có bóng khí. Những phần hình chữ V (ở đây lại gợi nhớ đến tên thương hiệu Vuitton) gia công từ vàng trắng.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất là việc sản xuất trung tâm mặt số hiển thị thời gian ở vị trí 12 giờ. Một mặt, lớp men plique-à-jour phải phủ trên một diện tích lớn hơn, mặt khác, khoảng hở trên đôi kim phải được khoét và căn giữa với độ chính xác tuyệt đối. Khoảng 100 giờ làm việc chỉ dành cho một mặt số. Tổng cộng, cần có tới sáu lớp men mờ và cần nhiều quy trình nung để đạt độ trong suốt cũng như tông màu xen kẽ hài hòa giữa xanh biếc, xanh lam, xám xanh. Ở phía bên trái tại vị trí 9 giờ, Louis Vuitton trưng bày con dấu chứng nhận Poinçon de Genève, chắc chắn thu hút sự chú ý của người sành sỏi ngay từ ánh nhìn đầu tiên.