Dường như thời khắc hoàng kim của trang sức Ấn Độ đã điểm, khi mà những nhà kim hoàn hiện đại như Hanut Singh đã thành công chinh phục những người nổi tiếng, từ Nicole Kidman và Madonna, đến Kareena Kapoor, Alia Bhatt và Isha Ambani. Đến nay, thế giới mới ngỡ ngàng rằng quốc gia đông dân nhất thế giới vốn dĩ đã luôn sở hữu một bề dày lịch sử đáng nể trong ngành trang sức, đồng thời các nhà thương hiệu trẻ tại đây cũng đang nỗ lực không ngừng nghỉ để gìn giữ di sản quý giá của cha ông.
L
ật lại những trang đầu trong sử thi kim hoàng thế giới, ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng lịch sử lâu đời về thiết kế và chế tác trang sức của Ấn Độ từ lâu đã truyền cảm hứng cho các Maison nổi tiếng ở châu Âu và nhiều lục địa khác. Ngay cả trên sân nhà, những thợ kim hoàn có uy tín như Gem Palace và Amrapali vẫn tiếp tục tạo ra những món trang sức xa hoa tôn vinh kỹ thuật chế tác kim hoàn và cắt đá quý truyền thống đã có từ thời Đế chế Mughal vào thế kỷ 16.Trong khi nhiều cái tên kỳ cựu vẫn tiếp tục công cuộc tôn vinh quá khứ vàng son của đất nước, thì một nhóm ngày càng đông các nhà thiết kế độc lập đang mạnh dạn rẽ sang một con đường khác hướng đến tương lai. Từ các xưởng chế tác được duy trì qua nhiều thế hệ ở Jaipur, đến các studio thiết kế sang trọng ở Mumbai, họ đang cần mẫn dưới ánh đèn, không ngừng liên tục cải tiến để tạo ra những món trang sức hiện đại và mở rộng di sản trang sức của Ấn Độ.
“Điều tạo nên sự khác biệt của những nhà thiết kế này chính là tầm nhìn cá nhân của họ. Họ tự làm cho bản thân trở nên khác biệt bằng lối tư duy không sợ hãi và không sợ thử nghiệm, từ đó dẫn đến kết quả là chất lượng cao hơn và các thiết kế tuyệt vời hơn” Anaita Shroff Adajania, nhà tạo mẫu nổi tiếng tại Mumbai, người đã mở rộng tệp khách hàng của mình lên đến các ngôi sao Bollywood và giới thời trang Ấn Độ – bao gồm Kareena Kapoor, Alia Bhatt và Isha Imbani; cho biết.
“Điều tôi cũng thích ở những cái tên này là không phải ai cũng áp dụng cách tiếp cận phương Tây. Một số nhà thiết kế vẫn đang làm việc với jadau và polki (kim cương chưa cắt) truyền thống, nhưng đồng thời họ cũng mang đến cho nữ trang hơi thở hiện đại tối giản, khiến chúng dễ đeo và thú vị hơn” – cô nói.
Hanut Singh là một trong những nhà thiết kế đầu tiên mở ra hướng tiếp cận mới này khi anh ra mắt nhãn hiệu cùng tên vào đầu những năm 2000. Các thiết kế hiện đại nhưng cũng không kém phần phức tạp của anh đã thu hút sự chú ý của những siêu sao như Nicole Kidman và Madonna. Đa phần chúng được lấy cảm hứng từ thời kỳ nghệ thuật trang trí và nghệ thuật mới, đồng thời cũng là tấm gương chiếu soi quá khứ lịch sử của Ấn Độ, tự hào trở thành sự tôn vinh tổ tiên hoàng gia của chính anh.
Tiếp bước Hanut Singh là Tallin, một thương hiệu trẻ hơn được thành lập vào năm 2016 tại Jaipur. Được coi là thủ phủ trang sức của Ấn Độ, thành phố màu hồng nổi tiếng này không chỉ là ngôi nhà chung của nhiều thương hiệu di sản mang tính biểu tượng mà còn là vùng đất hứa quy tụ hàng nghìn nghệ nhân hoặc karigar được đào tạo bài bản, những người đã mài giũa nghệ thuật của mình với các loại đá quý và bán quý qua nhiều thế hệ trong gia tộc. Di sản phong phú này đã truyền cảm hứng cho người sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Tallin là Akshat Ghiya, người xuất thân từ một gia đình buôn đá quý.
“Chúng tôi chỉ thuê những nghệ nhân yêu thích nghề thủ công và có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này. Hầu hết họ là nghệ nhân thế hệ thứ hai hoặc thứ ba và học cách sản xuất đồ trang sức thủ công tại nhà và thông qua chương trình học nghề cộng đồng bắt đầu từ năm 12 hoặc 13 tuổi”, Ghiya cho biết.
Mặc dù vật liệu và kỹ thuật thủ công của Tallin thể hiện thế mạnh truyền thống Ấn Độ, nhưng các thiết kế của họ lại không theo truyền thống và được lấy cảm hứng từ nền tảng cũng như sở thích mang tính toàn cầu của Ghiya (anh đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình để di chuyển giữa Ấn Độ và Ý). Kết quả của sự dung hòa này là một bộ sưu tập các thiết kế đương đại và táo bạo như Gentle Forms, sở hữu nhiều thiết kế lộng lẫy lấy cảm hứng từ thiên nhiên – hoa, rễ cây và lá – được chế tác bằng những lát kim cương thô của Ấn Độ theo các thiết kế hở, nhẹ và dễ đeo.
Trong khi đó, bộ sưu tập Sharp Forms lại tôn vinh tác phẩm táo bạo hơn, thể hiện hình dạng hình học và lấy cảm hứng từ nghệ thuật trang trí, tận dụng nguồn vật liệu truyền thống như đá mã não, ngọc lục bảo, san hô và kim cương.
“Chúng tôi phục vụ những khách hàng luôn tự tin vào phong cách và sở thích cá nhân của họ. Hầu hết trang sức của chúng tôi luôn mang đến sự linh hoạt và thoải mái khi đeo, đồng thời chuyển động nhẹ nhàng theo cơ thể”.
Studio Renn cũng là một thương hiệu đề cao tinh thần đổi mới, có trụ sở tại Mumbai và được thành lập vào năm 2018 bởi cặp vợ chồng Rahul và Roshni Jhaveri. Giám đốc sáng tạo Rahul Jhaveri cho biết: “Thiết kế và đồ trang sức của Ấn Độ trong lịch sử chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa tinh túy. Các hình thức đơn giản đại diện cho những ý tưởng phức tạp và chính phần thiết kế Ấn Độ này đã truyền cảm hứng cho chúng tôi – để các tác phẩm có ý nghĩa và mục đích vượt ra ngoài những gì mắt thường nhìn thấy. Trang sức của chúng tôi không chỉ được chế tác để đeo, chúng được xây dựng trên nền tảng của quá khứ và hiện tại nhưng vẫn hướng tới tương lai và có ý nghĩa vượt qua cả ranh giới về mặt kỹ thuật, thẩm mỹ”.
Những sáng tạo mang tính khái niệm và đương đại của họ gần như là tiên phong, bao gồm nhiều sự kết hợp khác thường như bê tông với kim cương, vàng tráng gương màu đen và xám, khiến chúng trở nên hấp dẫn trong mắt nhiều nhà sưu tập. Ví dụ, bộ sưu tập Cacti lấy cảm hứng từ những cánh đồng ở Ấn Độ được bao quanh bởi hàng rào xương rồng để bảo vệ thực phẩm trồng bên trong. Được chế tác từ vàng và kim cương, bộ sưu tập Seed-Leaf có hình dạng điêu khắc vừa là hạt vừa là lá. Trọng tâm là “sự phản chiếu” bên trong, được tạo ra bằng cách sử dụng mặt dưới của kim cương.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng còn nhiều nhà kim hoàn xuất sắc khắc không ngừng vươn mình ra thị trường quốc tế. Shachee Shah có trụ sở tại Mumbai đã ra mắt thương hiệu cùng tên vào năm 2008 và nổi tiếng với những tác phẩm thủ công tinh xảo, bao gồm bộ sưu tập Venetian sử dụng sợi vàng dệt để tạo thành những tạo tác lấy cảm hứng từ ren. Thợ kim hoàn Aditi Amin đã phát triển các kỹ thuật thủ công truyền thống để tạo ra những thiết kế lấy cảm hứng từ Ấn Độ, cực kỳ dễ đeo và đa năng. Thương hiệu Uncut Diamond của anh mang đến những chiếc vòng tay đương đại, nhẫn cocktail quyến rũ và vòng cổ choker được trang trí bằng ngọc trai và hồng ngọc. Trong khi đó, xuất thân từ một dòng dõi lâu đời trong nghề buôn kim cương, Tara Daswani tạo ra những tác phẩm táo bạo như bộ sưu tập Lovely Eye lấy cảm hứng từ hình tượng Evil Eye.