Thật khó để cưỡng lại được bầu không khí mê hoặc bên trong một phiên đấu giá trang sức, khi mà món vật phẩm đẹp mê hồn được thưởng lãm trước bao ánh mắt say mê và khát khao, để rồi từng nhịp gõ búa vang lên kèm theo mức giá không ngừng biến động sẽ kích thích sự ham muốn của các nhà sưu tầm sành sỏi đang mong muốn sở hữu cho được món báu vật. Ẩn sau thế giới đấu giá trang sức ấy có muôn vàn câu chuyện mà chúng tôi muốn kể, để bạn có thể hiểu thêm về hình thức mua bán đặc biệt này cũng như cân nhắc thật kỹ trước mỗi lần tham gia trả giá.
J
osephine Odet, Chuyên gia về Trang sức Cao cấp, Kim cương và Đá quý, đồng thời là nhà tư vấn của Bonhams, nhận xét: Mặc dù việc mua đồ trang sức từ các cuộc đấu giá có vẻ khó khăn và tốn nhiều công sức, thế nhưng đây vẫn được xem là một trong những nơi dễ dàng và uy tín nhất để mua được những món đồ chất lượng trên thị trường thứ cấp.Cô cho biết thêm: “Thật khó để đánh bại sự đa dạng về kiểu dáng, thương hiệu, nhà thiết kế, lịch sử và chất lượng đá quý xuất hiện trong các cuộc đấu giá”. Tuy nhiên, cô cũng đồng thời nhắc nhở rằng mua bất kỳ vật phẩm trang sức nào thông qua hình thức đấu giá đồng nghĩa là bạn phải đầu tư thời gian và công sức vào việc nghiên cứu và tìm kiếm. Trước hết, bạn cần bỏ thời gian để hoàn thành tốt các bước nghiên cứu danh mục và kiểm tra các báo cáo liên quan về tình trạng cũng như hình ảnh của vật phẩm. Đồng thời, đừng quên lưu ý các khoản phí bổ sung như thuế vận chuyển và thuế xuất/nhập khẩu. “Tất cả chúng ta đều bị thôi thúc tiếp tục trả giá, thế nhưng bạn cần phải đặt ra ngân sách tối đa trước tiên. Tuy vậy, mức giá cũng sẽ biến động rất khó lường nếu có quá nhiều người tham gia trả giá với quyết tâm sở hữu cho bằng được món đồ”.
Josephine cho biết giá mỗi gram vàng tại cuộc đấu giá thấp hơn đáng kể so với thị trường bán lẻ sơ cấp và thứ cấp. “Tương tự như vậy, kim cương chất lượng thương mại có giá bán đấu giá thấp hơn tới 70% so với thị trường sơ cấp. Đối với đồ trang sức kiểu dáng hiện đại và có thương hiệu, ước tính mức giá còn thể thấp hơn giá bán lẻ từ 30-80%”.
MỘT THỊ TRƯỜNG ĐANG BÙNG NỔ TRÊN TOÀN CẦU
Wenhao Yu, Chủ tịch mảng Trang sức & Đồng hồ của nhà đấu giá Sotheby’s khu vực Châu Á phân tích rằng chất lượng, độ hiếm có và xuất xứ đều là những yếu tố quan trọng trong việc định giá các vật phẩm trang sức tại Sotheby’s Asia – tất cả đều được đánh giá cẩn thận bởi các phòng thí nghiệm có chuyên môn giám định tất cả các loại đá. Đồng thời, nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng sẽ vận dụng tất cả chuyên môn nhằm đánh giá mọi khía cạnh liên quan đến vật phẩm trang sức, bao gồm tình trạng, độ quý hiếm và xuất xứ. Điều này cũng minh chứng rằng họ luôn dành rất nhiều tình yêu và đam mê cho công việc của mình. Thậm chí, Wenhao còn chia sẻ: “Chúng tôi thật may mắn và cảm thấy biết ơn khi rất nhiều món châu báu quý hiếm bậc nhất thế giới được đưa đến tận cửa nhà cho chúng tôi giám tuyển”.
Wenhao cho biết thêm rằng doanh số bán hàng cao cấp của Sotheby’s ở châu Á và các nhà sưu tập tại đó chiếm gần 30% tổng giá trị doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Thị trường trang sức trải rộng trên toàn cầu, đồng thời những loại đá quý đặc biệt nhất thường xuất hiện tại Hongkong, New York và Geneva. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Wenhao vẫn nỗ lực hợp tác chặt chẽ cùng nhau để chọn ra những món đồ phù hợp nhất cho các nhà sưu tập trong khu vực. Được biết, Sotheby’s mở bán đấu giá các bộ sưu tập và trang sức hoàng gia có nguồn gốc xuất xứ đặc biệt trong mỗi đợt bán hàng được xây dựng theo lịch hàng năm trên toàn cầu.
“Đối với mỗi cuộc đấu giá, tầm nhìn của chúng tôi là tuyển chọn những thứ tốt nhất trong số những thứ tốt nhất, bao gồm cả việc cung cấp những kiệt tác không thể tìm thấy trên thị trường bán lẻ”. Khi một nhà sưu tập quyết định chia tay một hoặc nhiều vật phẩm nào đó trong bộ sưu tập của mình, họ thường liên hệ ngay với nhà đấu giá. “Sotheby’s mang đến cơ hội cho nhiều khách hàng có thể chiêm ngưỡng và sở hữu những kho báu này, đồng thời là nền tảng toàn cầu cho các nhà sưu tập có cơ hội sở hữu vô số báu vật gia truyền từ khắp nơi trên thế giới” – Wenhao chỉ ra.
Wenhao cũng nhắc lại rằng sưu tập trang sức từ sàn đấu giá sẽ có giá trị đầu tư, nhưng đây không phải là lý do chính để bạn đưa ra quyết định mua hàng. “Hãy dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu thêm về các xu hướng của ngành, vì nó cho phép các nhà sưu tập dẫn đầu cuộc chơi và đầu tư vào các món đồ xứng đáng trước khi chúng trở nên phổ biến hơn”.
NHỮNG LỊCH TRÌNH ĐẤU GIÁ DÀY ĐẶC
Tại Bonhams, người ta dự kiến sẽ có hơn 80 phiên mở bán đồ trang sức vào năm 2024 trên khắp các thành phố lớn như London, Paris, New York, Los Angeles, Hồng Kông và Sydney. Họ tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà cung cấp địa phương và quốc tế ở châu Á – nơi các văn phòng khu vực ở Nhật Bản, Singapore và Đài Bắc cho phép các chuyên gia gặp gỡ trực tiếp với khách hàng.
“Sau khi đồ trang sức được ký nhận tại Bonhams, Hồng Kông, chúng sẽ được kiểm tra cẩn thận. Một số viên đá quý được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Tất cả các món trang sức đều được lập danh mô tả danh mục chi tiết được tạo trước khi bán” – Stewart Young, Giám đốc Trang sức và Trưởng bộ phận Châu Á của Bonhams cho biết. Trước mỗi đợt đấu giá, các buổi gặp riêng tư sẽ được tổ chức để những người mua tiềm năng có thể trực tiếp kiểm tra các món đồ. Sau đó, việc liên hệ với chuyên gia trước để thảo luận về đá quý, đọc các báo cáo từ phòng thí nghiệm và nghiên cứu giá cả sẽ giúp ích rất nhiều cho người mua.
“Chúng tôi đã mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình nhằm cho phép khách hàng tiếp cận trang sức ở mọi mức giá, thông qua hình thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Ở Hồng Kông, chúng tôi có sáu phiên bán hàng trực tuyến và hai cuộc đấu giá trực tiếp mỗi năm”. Nhu cầu bán các bộ sưu tập thông qua đấu giá ngày càng tăng và chúng tôi tìm kiếm nguồn trang sức giàu tiềm năng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, bao gồm cả những nhà sưu tập muốn chia tay các kiệt tác quý giá hiện có, hoặc những mẫu trang sức đặc biệt như đợt bán hàng Barbara Walters gần đây của chúng tôi ở New York vào năm 2023”.
Stewart cho biết thêm: “Tại các cuộc đấu giá, mỗi món đồ đều được hỗ trợ xác thực và được định giá theo điều kiện thị trường, mang lại sự minh bạch cho người mua và người bán”. Ông cũng nhấn mạnh đến việc dự một buổi đấu giá là cách tuyệt vời để tham gia vào thị trường trang sức nếu bạn đang bắt đầu phát triển bộ sưu tập cá nhân của mình, nhưng đồng thời cũng không quên nhấn mạnh rằng “việc nghiên cứu trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào luôn là một hành động khôn ngoan”.
Không có gì ngạc nhiên khi giá bán lẻ luôn cao hơn và đó là lý do khiến các cuộc đấu giá mang tính cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Mua hàng tại các cuộc đấu giá nghe có vẻ khó khăn đối với những nhà sưu tập mới. Khi bạn đặt giá thầu cho một vật phẩm nào đó, hãy sẵn sàng thích ứng và xây dựng một chiến lược thành công. Stewart nhấn mạnh: “Phải luôn nghiên cứu và nói chuyện với các chuyên gia trang sức để được tư vấn nhằm hiểu chi tiết về món đồ trang sức mà bạn đang muốn đấu giá”.
BẮT NHỊP TỪNG CÚ GÕ BÚA
Benoît Repellin, Giám đốc Trang sức Toàn cầu của Phillips cho biết: “Đừng mua một vật phẩm trang sức chỉ vì nó có giá trị đầu tư. Cảm xúc phải là kim chỉ nam cho việc mua bất kỳ vật phẩm châu báu hay tác phẩm nghệ thuật nào.”
Một buổi đấu giá cung cấp rất nhiều mặt hàng, từ đồ cổ đến đồ hiện đại, trang sức có chữ ký từ các Maison khác nhau. Benoît cho biết thêm: “Mức giá tại cuộc đấu giá cũng rất rộng và người ta có thể tìm ra một món đồ có chữ ký từ những thợ kim hoàn nổi tiếng nhất với mức giá rất hấp dẫn. Thường có sự khác biệt giữa giá bán lẻ và giá đấu giá. Hầu hết các Maison trên thế giới đều tham gia đấu giá và cố gắng mua lại một số món đồ trang sức kinh điển của họ. Vì vậy, sẽ có một khoản tăng giá đáng kể khi mua nó từ nhà sản xuất, thay vì mua trong quá trình đấu giá”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu thầu và cho phép các nhà sưu tập trau dồi kiến thức về những món đồ trong danh sách mong muốn của họ, các chuyên gia luôn sẵn sàng cung cấp những thông tin có giá trị. “Chúng tôi muốn khách hàng bước vào phòng đấu giá với cảm giác tự tin nhất. Chúng tôi có hẳn một đội ngũ chuyên gia nổi tiếng, những người đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng cũng như sẵn sàng gặp mặt trực tiếp để tư vấn về giá cả, bộ sưu tập và xu hướng thị trường. Đối với người bán, một nhà đấu giá quốc tế mang lại lượng khách hàng lớn hơn hẳn” – ông cho biết thêm. Bên cạnh đó, nhiều buổi đấu giá sẽ diễn ra song song với sự kiện bán đồ trang sức do các Maison khác tổ chức, cũng như phiên đấu giá các danh mục khác tại Phillips để tạo thuận tiện cho người mua.
“Phiên đấu giá ở Hồng Kông của chúng tôi vào mùa xuân này được tổ chức cùng với Art Basel Hong Kong và ‘New Now’ của chính Phillips. Phiên đấu giá ở Geneva vào tháng 5 được tổ chức song song với đấu giá Đồng hồ và sự kiện bán hàng từ các đơn vị khác” – ông cho biết thêm.
Phillips tổ chức lịch đấu giá trang sức toàn cầu tại ba địa điểm chính gồm: Hồng Kông, Geneva và New York. Mỗi địa điểm thường tổ chức hai cuộc đấu giá trực tiếp mỗi năm vào mùa Xuân và mùa Thu. “Chúng tôi cũng có đợt bán hàng trực tuyến quanh năm. Mặc dù lịch trình đã được chốt khá chuẩn vào thời điểm này nhưng chúng tôi luôn sẵn lòng cân nhắc điều chỉnh nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho khách hàng của chúng tôi”.
Mục tiêu của việc này là tối đa hóa khả năng tiếp cận của từng phiên đấu giá và thu hút sự hỗ trợ từ tất cả các bộ phận liên quan có thể tham gia. Benoît cho biết đây là một quá trình đa hướng, bao gồm ấn định ngày đấu giá toàn cầu, ký gửi tài sản để bán, đi khắp thế giới để tìm nguồn trang sức cho các cuộc đấu giá và thậm chí gặp gỡ khách hàng tại nhà của họ, bên cạnh việc tổ chức các ngày định giá công khai.
Một phần của việc định giá bao gồm liên lạc với các phòng thí nghiệm để chứng nhận đá. Ông chỉ ra rằng nguồn gốc của đá quý và đặc tính không qua xử lý là những yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị, tương tự như màu sắc và độ trong của kim cương. Triển lãm công khai trước khi đấu giá sẽ cho phép khách hàng xem xét kỹ lưỡng hơn từng kiệt tác và thu hút sự quan tâm của họ. Khách hàng thậm chí có thể đấu giá trực tuyến, qua điện thoại, trong phòng hoặc bằng cách đấu giá vắng mặt (có nghĩa là để lại giá thầu bằng văn bản trước khi bắt đầu cuộc đấu giá.