Cái tên Gérald Genta luôn luôn tồn tại rõ nét trong ký ức của rất nhiều người đam mê đồng hồ. Ngài chính là người đã tạo nên những thiết kế kinh điển như Royal Oak của Audemars Piguet, Omega Constellation, Nautilus của Patek Philippe hay Rolex King Midas; đồng thời cũng là một trong những nhà thiết kế hiếm hoi từng hợp tác với tất cả các thương hiệu đồng hồ lớn.
MỘT NHÀ THIẾT KẾ PHI THƯỜNG
Sinh ngày 01/05/1931, có mẹ là người Thụy Sỹ và bố là người Ý, ngài Gérald Genta đã hoàn thành khóa học nghề thợ kim hoàn và kim hoàn vào năm 1951. Tuy nhiên, phải một thời gian sau ngài mới có lần hợp tác đầu tiên với một thương hiệu đồng hồ. Vào thời điểm đó, việc các hãng đồng hồ tuyển dụng trực tiếp các nhà thiết kế là điều không diễn ra phổ biến.
Sau đó, Gérald Genta bắt đầu sự nghiệp tại Universal Genève, một trong những nhà sản xuất nổi tiếng nhất của Thụy Sỹ và đây cũng là nơi ngài đã tạo ra các thiết kế nổi tiếng cho Audemars Piguet, Patek Philippe hoặc Omega, mà những thiết kế này khi ấy không đước gắn liền trực tiếp với tên gọi của ngài. Vào thời điểm đó, Genta chỉ kiếm được 15 franc Thụy Sỹ cho mỗi thiết kế – điều này gián tiếp dẫn đến số lượng khổng lồ các thiết kế mà ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình. Ngài cũng tạo ra bước đột phá vào năm 1954 khi thiết kế một mẫu chống từ tính mà sau này trở thành đồng hồ chính thức của hãng hàng không Scandinavian SAS.
Theo ước tính, Genta đã cho ra đời khoảng 100.000 chiếc đồng hồ trong khoảng thời gian 50 năm.
NGƯỜI BẠN ĐẶC BIỆT CỦA NHỮNG THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG
Năm 1960, Genta nhận được đơn đặt hàng độc quyền đầu tiên cho Omega. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết rằng ngài không trực tiếp ký hợp đồng với hãng mà là ký hợp đồng với các nhà cung cấp của Omega. Thành quả của lần hợp tác này chính là mẫu Omega Seamaster và Omega Constellation. Thị trường đồng hồ dường như có một quy tắc bất thành văn về sự khiêm tốn dành cho các nhà thiết kế, vậy nên ngài Genta luôn tập trung vào sản phẩm và không bao giờ quảng bá nó cùng với tên tuổi của mình. Vì lý do này, nhiều “đứa con tinh thần” mà ngài thiết kế không được công nhận cho đến tận ngày nay.
Phong cách của nhà thiết kế đại tài này dung hòa cả hai yếu tố: cổ điển và táo bạo. Đồng hồ của ngài luôn sở hữu các cạnh cứng và không ngần ngại nhấn mạnh cơ học. Hầu hết đó là những tạo tác nam tính phản ánh chân thật mọi công việc, công nghệ và vật liệu đã được ông và đơn vị sản xuất đầu tư vào chúng.
Cho đến nay, bộ ba đồng hồ thép không gỉ mà ông sản xuất vào những năm 70 vẫn được đánh giá rất cao, bao gồm Royal Oak, Nautilus và Ingenieur.
Trong quá khứ, do diễn biến phức tạo của cuộc khủng hoảng thạch anh, Georges Golay, khi đó là người đứng đầu Audemars Piguet, nhận thức được rằng hãng phải thử tạo ra cái gì đó mới mẻ, cụ thể hơn chính là một chiếc đồng hồ xa xỉ làm bằng thép không gỉ. Ông gọi cho ngài Gerald Genta vào một buổi chiều trước khi Baselworld 1971 bắt đầu và giải thích rằng ngài cần một thiết kế cho một chiếc đồng hồ sang trọng bằng thép cho thị trường Ý vào sáng hôm sau. Vì vậy, chỉ sau một đêm, Genta đã gửi đến Golay bản vẽ Royal Oak mang tính biểu tượng. Ý tưởng của ngài là ứng dụng thiết kế của những bộ đồ lặn cũ vào bộ vỏ hình bát giác, vòng bezel hình cửa sổ và nhấn mạnh yếu tố hàng hải. Các ốc vít “lộ thiên” không còn bị che giấu và vòng đeo tay thích hợp thẳng vào vỏ.
Năm 1976 là một năm quyết định khác đối với ngài Genta khi lần đầu tiên hợp tác cùng IWC. Nhiều đặc điểm của Royal Oak cũng có thể được tìm thấy trong thiết kế Engineer: các ốc vít lộ ra ngoài và vòng đeo tay vẫn được tích hợp, nhưng khung bezel tròn đồ sộ không mang tính biểu tượng như hình bát giác của Royal Oak. Ngoài ra, Engineer có khả năng chống từ tính nhờ lồng Faraday tích hợp.
Cùng năm đó, ngài Genta cũng thiết kế Nautilus cho Patek Philippe. Ngài cho biết ý tưởng về chiếc Nautilus nảy ra trong đầu khi cùng ban quản lý cấp cao của Patek Philippe dùng bữa tại Baselworld.
Vào những năm 80, ngài Genta cũng đã thiết kế chiếc Bvlgari Bvlgari cho Bulgari. Đối với viền lắp kính, Genta lấy cảm hứng từ những đồng tiền La Mã có khuôn mặt của hoàng đế được bao quanh bởi một chữ cái kép. Ngoài ra, thiết kế của vỏ dựa trên hình trụ cũng ám chỉ thời cổ đại. Ban đầu, Bulgari còn hoài nghi sự thành công của mẫu này, thế nhưng thực tế đã chứng minh chúng nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy nhất.
Năm 1994, ngài Genta đã tạo nên chiếc Grand Sonnerie cho thương hiệu của riêng mình - một chiếc đồng hồ bấm giờ mỗi giờ và điểm chuông sau mỗi 15 phút mà người đeo không cần phải lên dây cót. Grand Sonnerie Retro chính là chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới và được bán với giá một triệu USD.
Tuy nhiên, Genta ngày càng coi mình là một nghệ sĩ hơn là một CEO và vì vậy ngài đã bán thương hiệu cho một ngân hàng châu Á vào năm 1998 trước khi được Bulgari mua lại sau đó. Trong khoảng thời gian tiếp theo, ngài Genta cống hiến hết mình cho hội họa – vốn luôn là tình yêu đích thực và có sức ảnh hưởng rất lớn đến phong cách thiết kế mà ngài ấy theo đuổi. Năm 2001, Genta thành lập thương hiệu Gérald Charles và bán lại vài năm sau đó.
Nhà thiết kế qua đời vào năm 2011 ở tuổi 80. Tuy nhiên, tên tuổi và các sáng tạo của ngài vẫn không thể xóa nhòa và tiếp tục mê hoặc thế giới đồng hồ cho đến tận ngày nay.