Có lẽ hiếm có loại đá quý nào đạt đến đẳng cấp của kim cương: không chỉ sở hữu giá trị thương mại cao mà còn được nâng lên như một biểu tượng của sự xa hoa quyền quý. Nếu như kim cương không màu đã đủ để làm trái tim nhân loại xao xuyến, thì sự trỗi dậy của kim cương màu Fancy, những ông hoàng bà chúa đích thực trong thế giới kim cương, càng được người ta chú ý nhiều hơn; nhất là trong các buổi đấu giá đá quý.

M

ẹ thiên nhiên luôn có cách vận hành tuyệt vời mà nhân loại không bao giờ có thể tái tạo, và một trong những tạo vật tinh túy nhất trên trần đời chính là kim cương. Nhìn chung, tất cả kim cương trên Trái Đất đều là sản phẩm của một nguyên tố duy nhất: carbon. Để “ủ” nên màu sắc lạ mắt của kim cương màu Fancy, những viên đá quý carbon này cần phải trải qua một hiện tượng tự nhiên hiếm gặp đến mức nó chỉ xảy ra ở 1/10.000 viên kim cương. Bức xạ tự nhiên, áp suất và nhiệt độ cao, cùng với sự kết hợp của các nguyên tố tự nhiên khác, chẳng hạn như boron và nitơ, trong quá trình hình thành đá là nguyên nhân tạo ra những màu sắc hiếm có này. Chôn sâu dưới tầng tầng địa chất, kim cương đã trải qua hàng tỷ năm đợi chờ và rồi cuối cùng được “đẩy” ra khỏi lớp vỏ Trái đất qua các vụ nổ núi lửa, trước khi được tìm thấy và gia công thành những món trang sức lộng lẫy dưới ánh đèn.

Về cơ bản, kim cương có thể xuất hiện với mọi loại màu sắc mà bạn có thể tượng tượng ra, từ đỏ anh đào cho đến hồng phấn, vàng chanh, xanh băng, cam bí ngô hay tím violet. Màu sắc cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình giá trị của viên kim cương. Khi nói về chất lượng độ trong của kim cương (hay còn được gọi là nước), nhiều người nghĩ ngay đến bảng phân cấp của Gemological Institute Of America (GIA) – phân loại kim cương theo cấp độ từ trong suốt (D) cho đến ngả màu nhàn nhạt (Z). Vượt quá cấp độ Z chính là kim cương màu Fancy, và lúc này càng đậm màu thì chúng càng đắt giá.

ĐI TÌM MÀU SẮC ĐẮT GIÁ NHẤT

Kim cương màu Fancy hiếm có và được săn lùng nhiều nhất có lẽ màu đỏ, lục, lam, cam và tím. Màu đỏ được hình thành khi chịu áp lực và sức ép quá lớn trong thời gian dài, từ đó gây biến dạng trong cấu trúc mạng tinh thể khiến các nguyên tử bị dịch chuyển. Có thể nói, chúng chính là loại kim cương có giá trị nhất và được thèm muốn nhất trong tất cả các màu kim cương Fancy.

Vị trí á quân thuộc về kim cương xanh. Có hai loại kim cương xanh là IIb và Ia. Hầu hết các viên kim cương xanh trên thế giới đều thuộc loại IIb và lên màu nhờ nguyên tố boron có trong mạng carbon – cho phép dòng điện đi qua viên đá. Người ta cho rằng boron được tìm thấy tại đây có nguồn gốc sâu bên dưới các đại dương của Trái đất. Loại đá quý này chỉ chiếm 0,1% trong tổng số kim cương được khai thác và loại Ia chiếm tỷ lệ thậm chí còn ít hơn rất nhiều.

Quý giá không kém là kim cương xanh lục kết tinh từ hàng triệu năm bức xạ tự nhiên sâu bên trong lòng Trái đất. Bức xạ alpha tạo ra màu xanh nhạt, trong khi bức xạ beta & gamma tạo ra màu xanh đậm. Bức xạ dịch chuyển các phân tử carbon bên trong viên kim cương và làm thay đổi đường đi của ánh sáng khi chiếu qua viên đá tạo nên màu xanh lục. Trong khi đó, kim cương cam lại được hình thành sau nhiều công đoạn chuyển dịch khí nitơ, hấp thụ ánh sáng xanh lam và chỉ có thể đạt đến sắc cam hoàn hảo nếu không có bất kỳ dấu vết của màu nâu. Như với tất cả các màu Fancy khác, viên đá được hình thành càng sâu trong lòng đất thì độ bão hòa màu cam sẽ càng tăng. Ngoài ra, kim cương còn có màu tím với hai sắc độ quý hiếm ngang nhau: tím violet thuần khiết và màu tím đậm.

Ngoại trừ những màu sắc quá mức quý hiếm kể trên, 60% kim cương Fancy sẽ có màu vàng. Tương tự như màu cam, màu vàng rực rỡ đến từ sự bão hòa nitơ bên trong viên kim cương làm thay đổi ánh sáng truyền qua bằng cách hấp thụ ánh sáng xanh lam. Màu sắc của chúng sẽ trải dài từ màu chanh nhạt đến màu hoàng yến sống động. Đây cũng là loại kim cương rất được các nhà chế tác cao cấp như Graff, Tiffany & Co. hay Dior yêu thích.

Kim cương màu cam và vàng chứa nitơ, kim cương xanh lam chứa boron, nhưng kim cương hồng không chứa bất kỳ nguyên tố tự nhiên nào ngoài carbon. Vì lý do này, nguồn gốc của kim cương hồng là một bài toán khó giải đối với loài người từ lâu. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện tin rằng màu hồng, tương tự như màu đỏ, có thể là kết quả từ cách viên kim cương hấp thụ ánh sáng. Sự bất thường này dường như là do biến dạng ứng suất trong mạng tinh thể và hiếm khi xảy ra đến mức chưa đến 1% kim cương trên thế giới có màu hồng.

ĐỊNH GIÁ KIM CƯƠNG MÀU FANCY

Phần lớn giá trị của kim cương màu Fancy đến từ vẻ đẹp tổng thể của viên đá và độ hiếm của màu sắc. Nhưng có những yếu tố khác sẽ ảnh hưởng giá cả và độ hot của một viên kim cương. Khi cường độ màu của viên kim cương tăng lên thì giá trị của nó cũng tăng theo. Điều này trái ngược với giá trị của kim cương không màu – giá giảm khi sắc thái màu (vàng, nâu hoặc xám) tăng. Độ bền và độ tinh khiết của màu sắc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của viên kim cương. Độ bão hòa màu cao của kim cương Fancy Intense và Fancy Vivid làm cho chúng có giá trị hơn so với màu nhạt Fancy Light. Một viên kim cương màu tím, xanh lá cây hoặc đỏ sẽ có giá cao ngất ngưỡng do sự khan hiếm cực độ của chúng.

Kim cương Fancy phải được kiểm tra trực tiếp để xác định giá trị thực tế của chúng. Các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu của CIRCA là một trong số những nhà giám định và thu mua kim cương hàng đầu trên thế giới. Nếu bạn may mắn sở hữu trong tay một viên và muốn rao bán, hãy lên lịch đến một trong 22 văn phòng của CIRCA trên toàn thế giới. Mạng lưới quan hệ với các nhà sưu tập kim cương quốc tế đảm bảo đơn vị này có thể xác định một mức giá cạnh tranh nhất.

BẠN SẼ THÍCH

ĐÁ QUÝ

ETHICAL BLING
Hoàng Kim Rực Rỡ Trong Thế Giới Bền Vững

ĐÁ QUÝ

LEMAN JEWELRY
Niềm Kiêu Hãnh Của Trang Sức Việt

ĐÁ QUÝ

VAN CLEEF & ARPELS
Khu Vườn Kỳ Diệu Của Julie Joseph

ĐÁ QUÝ

DILYS’
‘Nhịp Cầu’ Đi Đến Trái Tim Giới Mộ Điệu

ĐÁ QUÝ

GOLDMARK OAKHAM
Thương Hiệu Trang Sức Hoàng Gia