Nhẫn đính hôn và nhẫn cưới tượng trưng cho sự gắn kết không tách rời giữa đôi tim đồng điệu. Tuy nhiên, bạn nên chọn nhẫn bạch kim, vàng hay bạc? Mang lại vẻ ngoài, độ bền cùng giá thành khác nhau, mỗi kim loại cất lên tuyên bố phong cách của người sở hữu.
N
ếu chỉ tập trung vào viên kim cương khi mua nhẫn cho ngày trọng đại, điều đó giống như đang nghĩ về lớp kem phủ chứ không phải phần bánh bên trong. Viên kim cương có thể là thành phần “ngon mắt” nhất, nhưng phần đế kim loại liên kết tất cả yếu tố cũng quan trọng không kém. Và, phần ‘đế’ đó hiện được cấu thành từ đa dạng kim loại, từ bạch kim đến thép không gỉ. Nếu còn đứng trước nhiều phân vân, tân nương và tân lang hãy cùng khám phá thế giới kim loại muôn vẻ, từ truyền thống đến cực kỳ hiện đại!PLATINUM – BẠCH KIM
Vốn phổ biến trong ngành vũ khí quân dụng, bạch kim được sử dụng rộng rãi cho ngành kim hoàn từ thế kỷ 20. Sáng bóng và đẹp đẽ, kim loại này hiện là lựa chọn hàng đầu cho nhẫn đính hôn cùng nhiều đồ trang sức khác.
Ngoại diện
Sở hữu sắc trắng dịu dàng, bạch kim hiếm hơn vàng gấp 30 lần và nặng hơn 40% so với vàng 14K, đồng thời không bị xỉn màu hay oxy hóa. Xuất phát từ độ cứng ngoạn mục, các chi tiết chạm khắc hay trang trí tinh xảo trên nhẫn thường trông sắc nét, chính xác vô cùng.
Sự thật thú vị
Hầu hết đồ trang sức của Vương quốc Anh đều được làm bằng bạch kim. Bạch kim được khai thác hàng dặm sâu dưới lòng đất, chủ yếu ở Nam Phi và Nga.
Độ tinh khiết
Bạch kim trong đồ trang sức có độ tinh khiết từ 90% đến 95%. Điều này làm nổi bật vẻ đẹp của các loại đá quý điểm xuyết.
Chăm sóc
Trong quá trình sử dụng lâu dài theo thời gian, bạch kim sẽ bị mài mòn và trầy xước. Tuy nhiên, những ‘tổn thương’ này có thể ‘chữa lành’ bởi thợ kim hoàn.
GOLD – VÀNG
Vàng luôn là chuẩn mực cho trang sức đính hôn và cưới, nhờ màu vàng tự nhiên, ấm áp và độ bóng vô ngần. Nhẫn đính hôn bằng vàng mang đến vẻ đẹp lãng mạn, vượt thời gian.
Ngoại diện
Hợp kim được trộn với vàng ảnh hưởng đến màu sắc. Có hàng trăm hỗn hợp có thể, nhưng các tùy chọn thường bao gồm:
Vàng vàng
Vàng nguyên chất pha với một ít bạc và đồng để tạo vẻ ấm áp.
Vàng trắng
Vàng nguyên chất kết hợp một lượng vừa đủ palladium và bạc, hoặc với niken, đồng và kẽm. Đặc biệt, độ trắng cùng độ bền của kim loại được cải thiện rõ rệt khi mạ rhodium.
Vàng xanh
Trên thực tế, kim loại có bề ngoài màu xanh vàng, thành hình từ vàng nguyên chất kết hợp bạc.
Vàng hồng
Ngày càng phổ biến, các tùy chọn vàng hồng ra đời khi kết hợp vàng nguyên chất với đồng. Tỷ lệ đồng càng cao, vàng càng đỏ.
Sự thật thú vị
Ngoài khai thác chủ yếu ở Nam Phi, vàng cũng có xuất xứ từ Úc, Peru, Nga và Hoa Kỳ.
Độ tinh khiết
Độ tinh khiết của vàng được đo bằng karat (đừng nhầm với carat, đơn vị đo trọng lượng đá quý). Karat được chia thành 24 phần, vì vậy 24 phần vàng – gọi là vàng 24K – là nguyên chất. Tuy nhiên, vàng 24K mềm và dễ hư hỏng. Thế nên, nó được pha trộn với các kim loại khác để tăng độ bền bỉ. Ví dụ vàng 14K là 14 phần vàng, 10 phần kim loại khác. Đồ trang sức phải có ít nhất 10K để được bán dưới dạng vàng ở Hoa Kỳ.
Chăm sóc
Vị chủ nhân có thể giữ chiếc nhẫn đính hôn/ nhẫn cưới vàng luôn sáng bóng bằng cách thường xuyên dùng vải mềm để lau sạch bụi bẩn.
STERLING SILVER – BẠC STERLING
Từng được coi là có giá trị hơn vàng, bạc hiện gắn với giá cả phải chăng nhất trong số các kim loại quý. Bạc Sterling thực sự là bạc nguyên chất trộn với đồng hoặc kim loại khác nhằm tăng độ bền. Mặc dù cứng hơn bạc nguyên chất, nhưng đây vẫn là một trong những kim loại mềm đồng thời dễ dàng bị trầy xước và đóng dấu hơn.
Ngoại diện
Bạc Sterling có thể có màu từ trắng sáng đến trắng xám, thường được ‘áo’ lớp hoàn thiện mờ hoặc sáng bóng.
Sự thật thú vị
Người xưa gọi bạc là kim loại của mặt trăng – mát mẻ và sáng chói – giống như hình ảnh phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước. Bạc được khai thác chủ yếu ở Australia, Mexico, Bolivia, Peru, Ba Lan và Canada.
Độ tinh khiết
Giống như vàng, bạc nguyên chất quá mềm để sử dụng làm đồ trang sức. Nó được kết hợp với các kim loại khác như đồng để tăng độ cứng. Bạc Sterling phải chứa ít nhất 92,5% bạc nguyên chất. Đó là lý do tại sao nó được đóng dấu 925.
Chăm sóc
Bạc dễ xỉn màu. Vì vậy, chủ sở hữu hãy bảo quản chiếc nhẫn đính hôn bạc trong những chiếc túi chống xỉn màu ở nơi khô ráo, thoáng mát. Bạn nên nhớ không sử dụng khăn giấy để lau khô vì chúng có thể làm xước bạc.
KIM LOẠI THAY THẾ
Ngoài ba kim loại chính trên đây, loạt kim loại nhẹ, hiện đại và bền đã trở nên phổ biến cho nhẫn cưới, đặc biệt phù hợp với những quý ông không quen đeo trang sức. Những kim loại thay thế này thường không hiện diện trong nhẫn dành cho phái đẹp.
Cobalt
Vốn được tạo ra để sử dụng trong ngành y tế và hàng không vũ trụ, hợp kim trắng tự nhiên – Cobalt – hiện cũng lưu hành trên thị trường như một kim loại đương đại, kiến tạo nên trang sức cô dâu cao cấp. Kim loại không gây dị ứng này cứng hơn bạch kim khoảng bốn lần, mang tới cho nhẫn độ bền vĩnh cửu.
Vẻ ngoài
Cobalt có màu trắng sáng, trông giống như bạch kim. Nó nặng hơn các kim loại thay thế khác (chẳng hạn như titan), tạo cảm giác chắc chắn cho những ai muốn tăng trọng lượng trang sức cưới.
Chăm sóc
Nhẫn cobalt có khả năng chống trầy xước khá cao. Nó cũng là một kim loại cho phép thay đổi kích thước dễ dàng, không giống như một số kim loại hiện đại khác trên thị trường hiện nay.
Thép không gỉ
Kim loại này đang trở nên phổ biến vì độ rắn chắc, bền và giá thành cạnh tranh.
Ngoại diện
Sáng bóng và chắc chắn, nhẫn thép không gỉ có thể dễ dàng tạo thành nhiều kiểu dáng khác nhau. Trong thực tế, nhiều người đánh giá cao vẻ ngoài chắc, hiện đại của kim loại này.
Độ tinh khiết
Trong ngành kim hoàn, thép được trộn với ít nhất 10,5% chromium để chống lại quá trình oxy hóa.
Chăm sóc
Bạn có thể làm sạch đồ trang sức thép không gỉ một cách dễ dàng bằng nước rửa chén, nước và vải mềm.
Titan
Xuất hiện trước tiên trong nhiều ứng dụng công nghiệp, titan với độ nhẹ ưu việt đã trở nên phổ biến trong hạt mục trang sức cưới – đặc biệt là nhẫn cưới nam. Đối với những người không quen đeo đồ trang sức, việc đeo nhẫn titan có thể là sự khác biệt mới mẻ so với nhẫn bạch kim hoặc vàng. Titan cũng tạo nên phong cách hiện đại, độc đáo mà một số người muốn có cho chiếc nhẫn của mình.
Vẻ ngoài
Nhẫn titan màu đen, xám hoặc bạc thường pha các kim loại khác và đi kèm với lớp hoàn thiện đánh bóng hay chải xước.
Sự thật thú vị
Cái tên titan gợi nhớ đến những vị thần Titan khổng lồ của thần thoại Hy Lạp. Titan được khai thác ở nhiều địa điểm, bao gồm Úc, Canada, Trung Quốc, New Zealand, Na Uy, Bắc Mỹ và Nam Phi.
Độ tinh khiết
Trang sức titan không chứa hợp kim và không gây dị ứng.
Chăm sóc
Titan là một trong những kim loại mang tới vẻ chắc chắn, chống trầy xước nhất cho nhẫn cưới. Nhẫn cưới titan không thể thay đổi kích thước.
Tungsten – Vonfram
Kim loại màu bạc này cứng hơn titan bốn lần. Hơn thế, nhẫn vonfram toát lên vẻ bóng sáng rực rỡ, cứng cáp.
Sự thật thú vị
Bóng đèn dây tóc vonfram đã cách mạng hóa ngành công nghiệp chiếu sáng vào năm 1904 khi chúng thay thế đèn dây tóc carbon kém hiệu quả hơn. Vonfram được tìm thấy chủ yếu ở Trung Quốc, Nga, Canada, Bolivia, Áo, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Brazil, Peru và Rwanda.
Độ tinh khiết
Vonfram là nguyên tố tinh khiết và không gây dị ứng.
Chăm sóc
Nhẫn cưới vonfram ít cần bảo dưỡng vì độ cứng hiếm thấy. Tuy nhiên, nhẫn vonfram không thể định cỡ.
Bất kể kim loại là gì, người sở hữu hãy thực hiện các bước sau để giữ cho đồ trang sức luôn sáng bóng và không bị trầy xước:
- Bảo quản trang sức trong các túi hoặc ngăn riêng của hộp trang sức để tránh trầy xước.
- Làm sạch đồ trang sức trong dung dịch nước rửa chén dịu nhẹ, nước ấm, rửa kỹ và lau khô bằng vải mềm.
- Không chà kim loại quý bằng bàn chải đánh răng dành cho người lớn. Để loại bỏ bụi bẩn cứng đầu khỏi các kẽ hở, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng dành cho trẻ em có lông mềm.
- Tháo trang sức khi lao động chân tay hoặc chơi thể thao, làm việc với hóa chất và khi bơi trong nước có clo.
- Kiểm tra với thợ kim hoàn nếu đồ trang sức nạm kim cương hoặc đá quý, bởi vì một số trường hợp cần được xử lý và sự chú ý đặc biệt!