Những quý cô trót đem lòng yêu thích “nàng báo” xa hoa của Cartier hẳn sẽ vui mừng khôn xiết khi biết hãng đã hé lộ những món đồ trang sức mới cho bộ sưu tập Panthère de Cartier trứ danh từ năm 1914.

V

ào thời điểm lần đầu tiên loài báo xuất hiện như một biểu tượng của hãng kim hoàn Cartier, nữ giới đang bị vây hãm trong một thời đại bất an và đầy định kiến với phái đẹp. Nhiều thập kỷ đã trôi qua với biết bao biến chuyển thời đại, đến năm 2020, chúng ta vui mừng chào đón Panthère de Cartier trở lại trong một thế giới đề cao nữ quyền; một thế giới thuộc về những người phụ nữ vô cùng thông minh và cực kỳ mạnh mẽ.

BST mới bao gồm những chiếc vòng đeo tay La Panthère bằng vàng nạm mã não, ngọc lục bảo hay kim cương rực rỡ. Bên cạnh đó còn có 11 chiếc nhẫn, 6 chiếc vòng đeo tay và một chiếc trâm cài quý giá. Những “tân binh” năm 2020 này hứa hẹn sẽ diễn giải một cách mới mẻ về loài động vật họ mèo kinh điển của Cartier, thông qua các kỹ thuật dát vàng và nạm đá quý mà chúng ta chưa từng nhìn thấy trước đây.

Biến hóa vô biên từ các chất liệu như vàng vàng, vàng hồng và bạch kim; điểm xuyến bằng vẻ đẹp lung linh của heliodor, citrine và ngọc lục bảo; “nàng báo thời hiện đại” của Cartier nhảy vồ vào tim bất cứ ai vừa chạm ánh mắt vào “nàng” và sẽ ngự trị mãi trong trái tim ấy nhờ sự nữ tính, tự do, thanh lịch và rất đỗi gợi cảm.

Tổng cộng đã có tới 59 thành viên được thêm vào “đại gia đình” Panthère de Cartier, bao gồm đồ trang sức, đồng hồ, phụ kiện trang sức, kính mát và thậm chí cả nước hoa.

Vòng cổ La Panthère

Những năm tháng hoàng kim

Đã hơn một thế kỷ kể từ ngày Cartier đội chiếc vương miện quyền uy lên lên cho “nàng báo”, nâng nàng lên địa vị mà muôn loài đều phải thèm khát. Cùng thời điểm đó, loài báo cũng là một biểu tượng rất phổ biến trong giới nghệ sĩ và được “sủng ái” bởi những tên tuổi lớn như François Pompon đến Rembrandt Bugatti cho đến Paul Jouve. Đầu tiên, con báo xuất hiện trên một tấm thiệp mời triển lãm trang sức “Dame à la panthère”. Sau đó, Cartier Paris “thử sức” bằng một chiếc đồng hồ đeo tay nữ bằng bạch kim và vàng hồng, trang trí thêm hoa văn đốm từ kim cương và những mảnh ngọc mã não hình dáng tùy ý.

Nhà thiết kế Charles Jacqeau của Cartier là một trong những người đầu tiên làm việc với chiếc áo khoác họa tiết áo khoác da báo. Sau đó, loài vật quyến rũ này còn được tái tạo dưới dạng hai chiều để tô điểm cho nắp hộp trang điểm xa xỉ mà Cartier chế tác từ năm 1925 đến năm 1930.

Trâm cài ba chiều hình con báo

Một số trân phẩm đáng chú ý thời điểm đó phải kể đến chiếc trâm cài kiêm đồng hồ bằng bạch kim nạm mã não và kim cương năm 1915, sau đó thuộc về Pierre Cartier. Tiếp đến là chiếc vòng tay năm 1930 bằng bạch kim và vàng trông vô cùng quyến rũ nhờ lớp men đen, các hạt san hô xếp lớp và những đốm mã não kim cương trên khóa cài.

Hoa tai La Panthère

Kể từ giai đoạn đó, loài báo cùng Cartier tiến bước vào giai đoạn hoàng kim. Chúng được chạm khắc cực kỳ khéo léo trên trâm cài, khoe bày dáng hình đẹp đẽ uy nghi bất khả xâm phạm. Bộ lông đốm được tái tạo kỳ công bằng kim cương pavé, mã não, sapphire và sơn mài trên các tuyệt phẩm dây chuyền và vòng tay. Và đôi mắt của chúng vừa long lanh vừa uy nghiêm khi ngụ trên những chiếc nhẫn hay đồng hồ đẹp đẽ.

Phép màu của Jeanne Toussaint

Người góp phần khẳng định vị thế cao vời vợi của loài động vật họ mèo này tại Cartier chính là Jeanne Toussaint, người đã gia nhập Maison vào cuối những năm 1910 và từng là giám đốc sáng tạo của bộ phận trang sức từ năm 1933 đến năm 1970. Yêu thích những thiết kế táo bạo cũng như những nguồn cảm hứng kỳ lạ, đôi giày Tatar màu đỏ và bộ đồ ngủ bằng lụa Trung Quốc luôn có mặt trong tủ quần áo của bà. Với phong cách riêng biệt và gu thẩm mỹ độc đáo, Toussaint rất thích kết hợp vàng vàng với đá quý màu sắc rực rỡ. Sau một chuyến du lịch đến Kenya, bà và Louis Cartier đã giới thiệu những mẫu trang sức lấy cảm hứng từ loài báo. Biệt danh “La Panthère” của người phụ nữ này không chỉ đến từ niềm yêu thích cá nhân của bà đối với loài báo, mà còn đến từ sức ảnh hưởng của bà tại Cartier (một điều gần như phi thường trong bối cảnh xã hội Pháp thời ấy, khi mà phụ nữ Pháp trước năm 1945 thậm chí còn không có quyền đi bỏ phiếu). Nhưng sự ưu ái mà Toussaint dành cho loài báo vượt xa lý do vẻ đẹp của bộ lông, mà còn bởi cá tính độc lập và can trường của loài động vật này – nhất là trong bối cảnh xã hội đang tiến vào một kỷ nguyên mới tự do, hiện đại và tôn trọng phái nữ hơn.

Nhẫn La Panthère

Vào năm 1948, như một phần trong chiếc trâm bằng vàng và men đen được trang trí bằng ngọc lục bảo 116 carat dành cho Nữ công tước Windsor Wallis Simpson, Toussaint đã tạo nên thiết kế con báo ba chiều đầu tiên cho Cartier. Đến năm sau, nữ công tước đặt mua thêm một chiếc trâm Cartier khác cũng mang hình dánh một con báo ba chiều, lần này được làm bằng bạch kim, vàng trắng, kim cương, các đốm bằng sapphire và tâm điểm là một viên sapphire Kashmir 152 carat. Mô túyp báo sớm được các biểu tượng phong cách đương đại đón nhận, chẳng hạn như nữ diễn viên Mexico María Félix, nhà hoạt động xã hội Pháp Daisy Fellowes và Công chúa Nina Aga Khan.

Trong cuốn sách “Phong cách Cartier và Lịch Sử” xuất bản năm 2013, Hubert de Givenchy đã ca ngợi Toussaint bằng những mỹ từ như “rất cá tính, rất đặc biệt, rất Cartier”; và rằng những sáng tạo của cô ấy “được mọi người ngưỡng mộ vì sự sống động, tiên phong và cực kỳ thanh lịch”. “Bà đã cách mạng hóa thiết kế trang sức sang trọng bằng cách trẻ hóa và hiện đại hóa chúng, theo cách của một họa sĩ vĩ đại, không chỉ chơi đùa cùng những viên đá quý lộng lẫy mà còn thể hiện sự đổi mới tuyệt vời trong sáng tạo” – ông nhận xét thêm.

Nhẫn La Panthère Vòng tay La Panthère

Bí ẩn tạo nên nét quyến rũ

Một “bí thuật” không thể thiếu để xây dựng biểu tượng báo sống động như thật của Cartier chính là kỹ thuật tạo nên lớp “lông” đặc trưng của Maison, giúp tái tạo vẻ đẹp ngoại hạng của bộ lông báo thông qua các loại đá quý như mã não và sapphire. Mỗi một viên đá được cắt và đo, sau đó phân loại và sắp đặt đặt thành một mạng tinh thể, sau đó các sợi kim loại mịn được “gấp” về phía mỗi viên đá để giữ chúng cố định.

Đưa loài vật hoang dã này vào cuộc sống cũng đồng nghĩa với việc phải chú ý đến từng chi tiết nhằm mô phỏng trung thực từng đặc điểm của chúng, đồng thời cũng khắc họa trọn vẹn nét uy nghiêm và đĩnh đạc. Năm 1927, nhà thiết kế Peter Lemarchand của Cartier đã dành thời gian dài quan sát những con báo ở Vườn thú Vincennes để nghiên cứu tạo ra các phiên bản thực tế từ vật liệu quý giá, và những bản vẻ nhuốm màu thời gian Mathurin Méheut “Études d’animaux” đến nay vẫn được lưu giữ trong thư viện Cartier để các nhà thiết kế thế hệ sau đến tham khảo, nghiên cứu.

Một thiết kế vòng tay khác

Mặc dù mỗi thập kỷ lại có một phong cách thể hiện loài báo riêng – từ đáng sợ vào những năm 1950, vui tươi trong những năm 1960 cho đến sự cá tính và hiện đại trong thế kỷ 21 – họa tiết con báo luôn là một biểu tượng quan trọng không gì thay thế được của Maison.

Giám đốc Di sản Cartier Pierre Rainero cho biết: “Trong hơn 100 năm qua, không có loài sinh vật nào khác đạt được vị thế mang tính biểu tượng này, cho dù đối với riêng Cartier hay trong toàn bộ ngành chế tác trang sức thế kỷ 20,” Pierre Rainero, Giám đốc Di sản Cartier. “Không có bất kỳ loài sinh vật hay đá quý nào khác có thể có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết đến thế với những người phụ nữ sành điệu thế kỷ 20, lý tưởng của phụ nữ thế kỷ 20 hay cả huyền thoại Cartier giống như loài báo”.

BẠN SẼ THÍCH

ĐÁ QUÝ

VAN CLEEF & ARPELS
Khu Vườn Kỳ Diệu Của Julie Joseph

ĐÁ QUÝ

DILYS’
‘Nhịp Cầu’ Đi Đến Trái Tim Giới Mộ Điệu

ĐÁ QUÝ

GOLDMARK OAKHAM
Thương Hiệu Trang Sức Hoàng Gia

ĐÁ QUÝ

ALEXANDER LAUT
Đắm Say Trong Nghệ Thuật Trang Sức

ĐÁ QUÝ

CARATELL
Rực Rỡ Sắc Màu Di Sản