Một sáng tạo quan trọng được Jean-Jacques Cartier tiết lộ năm 1967 – Crash – ghi dấu ấn bởi thiết kế bất đối xứng, trông gần như sắp tan chảy. Thay vì bối rối hay kinh ngạc, giới sưu tầm sành sỏi đã đón nhận tạo tác phá cách bằng tất cả sự say mê, và hiện vẫn không ngừng săn tìm bởi lời thúc giục thì thầm: ‘bằng mọi giá cũng phải sở hữu ít nhất một phiên bản’.

Baignoire Allongée “Maxi Oval” – giả thuyết đầu tiên truyền cảm hứng cho thiết kế đồng hồ Crash

D

ẫu chinh phục hầu hết người hâm mộ, nhưng Crash vẫn khiến họ không thôi tò mò vì nguồn gốc hiện vẫn là một ẩn số. Có thể, chiếc đồng hồ Cartier này dựa trên hình ảnh biến dạng của Baignoire Allongée “Maxi Oval” được trả về sau khi chủ sở hữu trải qua vụ tai nạn ô tô kinh hoàng. Hình dạng chiếc đồng hồ gần như tan chảy khi ấy đã thôi thúc Jean-Jacques Cartier tạo nên ‘cỗ máy thời gian’ Crash độc đáo. Mặc dù, đây chắc chắn là câu chuyện khơi gợi nhiều tính giải trí nhất, nhưng cũng ít có khả năng xảy ra nhất.

Tradition Tourbillon 7047 mới tích hợp cơ cấu truyền động tourbillon côn – xíchGiả thuyết thứ hai cho rằng Crash lấy cảm hứng từ kiệt tác siêu thực của Salvador Dali từ năm 1931, The Persistence of Memory (Sự dai dẳng của ký ức). Trong hoạt cảnh này, ta mơ màng nghĩ đến những chiếc đồng hồ khoác lên mình hình thù méo mó. Nhìn vào chiếc đồng hồ xuất hiện ở ngoài cùng bên trái, bất kỳ ai đó – khi lật đồng hồ 180 độ từ trái sang phải – không thể không đánh giá cao việc nó giống Crash đến khó tin.

The Persistence of Memory, kiệt tác siêu thực của Salvador Dali

Thuyết phục hơn, giả thuyết thứ ba được đưa ra bởi cháu gái của Jean-Jacque, Francesca Cartier Brickell, thông qua The Cartiers: The Untold Story of the Family Behind the Jewelry Empire. Trong cuốn sách này, cô hồi tưởng về cuộc trò chuyện với ông nội của mình, người đã thai nghén ý tưởng tạo ra chiếc đồng hồ biểu tượng những năm 60 nhộn nhịp, một thời đại xã hội thay đổi chưa từng có, ở London. Và rồi, người thợ chế tác đồng hồ tài hoa bắt đầu với chiếc Baignoire hình bầu dục lớn, sau đó kẹp chặt mỗi đầu và đặt một đường gấp khúc ngay giữa, tạo ra hình dạng của Crash. Suy cho cùng, đây có lẽ là giả thuyết có khả năng xảy ra nhất.

Crash 1967 và vị cha đẻ Jean-Jacques Cartier

Điều thú vị là thiết kế mang tính phiêu lưu thuộc về chiếc đồng hồ này có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với các nhà sưu tầm hiện đại. Eric Ku, một nhà sưu tầm Cartier nắm trong tay bộ sưu tập trong mơ gồm hai chiếc Crash nguyên bản, một chiếc London boutique Crash edition đương đại, một chiếc Crash Radieuse và hai chiếc Crash sản xuất theo đơn đặt hàng đặc biệt: “Khi nói đến điểm kỳ dị, không có chiếc đồng hồ nào độc đáo hơn Crash. Tôi nhận thấy điều gì đó rất táo bạo, năng động nhưng không kém phần tinh tế và sang trọng thuộc về cỗ máy thời gian chỉ có thể đạt được bởi Cartier”.

Những chiếc Crash quý giá trong bộ sưu tập của Eric Ku

Roni Madhvani, một trong những nhân vật kiêm nhà giáo dục quan trọng của văn hóa Cartier, nói: “Tôi thích những bộ vỏ có hình dạng. Đối với tôi, chúng là một biểu hiện đáng kinh ngạc về năng lực tạo ra vẻ đẹp của con người. Điều đáng chú ý về Crash là, mặc dù không đối xứng và thiếu tính biểu tượng để hài hòa, nó vẫn vô cùng đẹp. Đây là sức mạnh của Cartier để tạo ra sự cân bằng cũng như vẻ  đẹp, ngay cả khi đang phá cách”.

Theo Sotheby’s, chưa đầy một chục chiếc London Crash nguyên bản trình làng trong khoảng từ năm 1967 đến những năm 1970. Điều đáng lưu ý, đây là những chiếc Crash lớn nhất được thực hiện bởi chúng có kích thước 43mm x 23mm. Cỗ máy thời gian vô cùng ấn tượng này đã được Cartier Paris hồi sinh vào năm 1991 trong phiên bản giới hạn gồm 400 chiếc khoác vỏ vàng vàng 38,5mm x 22,5mm với từ “Paris” thay vì London trên mặt số. Đến năm 2013, tạo tác chinh phục phái đẹp với kim cương điểm xuyết viền gờ kính hoặc cả viền gờ kính lẫn vòng đeo. Trong lần tái xuất vào năm 2015, Crash sở hữu vỏ bạch kim 45,32mm x 28,15mm càng gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ kết cấu khung xương tuyệt đẹp. Ở đây, các cầu thuộc về bộ máy do Carole Forestier thiết kế đã mô phỏng lại hình dáng các chữ số La Mã cách điệu. Trong đường kính tương tự và cùng giới hạn 67 chiếc, phiên bản năm 2016 kiêu hãnh khẳng định quyền lực trong bộ vỏ vàng hồng ấm áp.

Crash 2013 (trái) và Crash 2015 sở hữu thiết kế khung xương ấn tượng (phải)

Đến năm 2018, Cartier trình làng Crash Radieuse, chiếc đồng hồ ngoạn mục với họa tiết mặt số tái mô phỏng những gợn sóng trên mặt hồ, âm thầm chảy vào vỏ 42mm x 23,3mm. Cùng năm đó, thương hiệu nước Pháp cũng giới thiệu phiên bản riêng cho boutique London như một lời tri ân lịch sử đáng ngưỡng mộ của chính tạo tác. Những chiếc đồng hồ 38,5mm x 22,5mm chứa cụm từ ‘Swiss Made’ trên mặt số thay vì ‘London’. Tuy nhiên, nó chỉ được sản xuất giới hạn một chiếc mỗi tháng. Điều đó đã sớm tạo ra một danh sách chờ kéo dài về cơ bản là vô tận. Góp phần xoa dịu nỗi khát khao sở hữu, phiên bản giới hạn 15 chiếc bằng vàng trắng, nạm kim cương cũng nhanh chóng hiện diện tại boutique London.

Crash Radieuse (trái) và Crash boutique London sản xuất mỗi tháng/chiếc (phải)

Trong vài năm qua, Crash thật sự bùng nổ về giá trị. Những chiếc London Crash nguyên bản gắn với mức giá không dưới một triệu đô Mỹ. Hồi năm qua, một trong số đó đã được bán với giá 806.500 franc Thụy Sỹ trong một cuộc đấu giá của Sotheby’s. Không kém cạnh, Paris Crash cũng gắn với mức giá khoảng 200.000 đô Mỹ. Những chiếc London boutique Crash được định giá cao gấp khoảng 2,5 lần giá bán lẻ ban đầu của chúng trên thị trường thứ cấp. Nick Foulkes, người đã rất thư thả khi đạp xe vòng quanh London với chiếc Cartier London Crash, cẩn trọng cất chiếc đồng hồ đặc biệt này vào hộp ký gửi an toàn. Anh giải thích: “Tôi mua khi chúng không đắt và vì tôi yêu. Tình cảm trong tôi hiện vẫn vậy, nhưng tôi đã không dám thản nhiên đeo theo cách giống như trước đây đã từng”.

Nhà sưu tập tầm cỡ nhất thế giới Auro Montanari bổ sung thêm: “Sự gia tăng giá trị của Crash bắt nhịp xu hướng các nhà sưu tập cổ điển quay trở lại sủng ái Cartier một cách mạnh mẽ. Một phần là quyền lực hiện tại của thương hiệu và sự tập trung vào những chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng, một phần là do các nhà sưu tập đã trải qua mọi thứ – những chiếc đồng hồ quân đội, Rolex, Patek Philippe – và hiện đang tìm kiếm một thứ gì đó đơn giản, thuần khiết và thanh lịch. Khi nói đến điều này, họ tự nhiên chuyển sang Cartier. Và trong số tất cả các thiết kế, Crash luôn là mẫu độc đáo nhất”.

BẠN SẼ THÍCH

ART & CULTURE

TABLE CLOCK
Báu Vật Riêng Dành Tín Đồ Sành Sỏi

EDITOR'S PICK

AUDEMARS PIGUET
Royal Oak Offshore

EDITOR'S PICK

BREITLING
Navitimer 41 & Cosmonaute B12

EDITOR'S PICK

MINUTE REPEATER
Ngân Nga Nhạc Khúc Bổng, Trầm

EDITOR'S PICK

PIAGET
Bí Mật Đôi Long Phụng