Nếu không có Kokichi Mikimoto, chúng ta có thể đang sống trong một thế giới không có ngọc trai. Chàng thanh niên lớn lên tại ngôi làng ven biển Nhật Bản đã quan sát được rằng nguồn cung cấp ngọc thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm và mạnh dạn đưa ra giải pháp nuôi cấy ngọc trai. Từ đó, cả một ngành công nghiệp hoa lệ được khai sinh và thịnh vượng đến tận ngày nay.
Giờ đây, trang sức ngọc trai đã không còn độc quyền cho phái nữ mà ngay cả các quý ông cũng say mê vẻ đẹp tao nhã thanh lịch của chúng. Một trong những “tín đồ” nổi tiếng của trang sức ngọc trai phải kể đến là tiền về Joc Pederson của Atlanta Braves – người luôn đeo trên cổ chiếc vòng ngọc trai khi thi đấu World Series trong nhiều năm. Sự yêu thích của cả một thế hệ đối với loại ngọc quý đến từ đại dương này có sự góp công rất lớn từ ông Mikimoto. Hãy cùng Deluxe Vietnam khám phá những bí mật thú vị về ông cũng như đế chế ngọc trai xa xỉ nhất hành tinh này nhé.
TỪ SỢI MÌ ĐẾN NGỌC TRAI
Năm 1858, Kokichi Mikimoto sinh ra tại một ngôi làng ven biển ở Nhật Bản. Là con trai cả của một chủ tiệm mì, ông nghỉ học năm 13 tuổi để phụ giúp gia đình. Tuy vậy, khi được chứng kiến quá trình những người thợ lặn tại địa phương tìm kiếm kho báu dưới đáy biển, ông đã hình dung ra một tương lai rất khác biệt cho mình.
ĐẶT CƯỢC TẤT CẢ VÀO NGỌC TRAI
Kokichi quan sát thấy nguồn cung cấp ngọc trai tự nhiên đang giảm dần và nhận thấy đây là một cơ hội để tìm kiếm giải pháp thay thế. Năm 1888, ông và vợ Ume sử dụng một khoản vay ngân hàng nhỏ để thành lập một trang trại nuôi hàu ở cửa biển Shinmei, ngày nay được gọi là Đảo ngọc trai Mikimoto. Ông nhận ra rằng khi đưa một hạt cát vào thân con trai trai, nó sẽ kích thích tiết xà cừ và cuối cùng tạo ra một viên ngọc trai sáng bóng.
VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN
Với khả năng nhìn xa trông rộng, ông đã vượt qua hết thất bại này đến thất bại khác trong quá trình nuôi cấy ngọc trai, trong đó có cả sự đe dọa từ bạch tuộc ăn hàu và tảo đỏ gây hại. Cuối cùng, Kokichi Mikimoto vẫn chiến thắng. Năm 1893, vợ ông thu được con hàu đầu tiên có một viên ngọc trai hình tròn hoàn hảo.
TIN TƯỞNG VÀO THÀNH QUẢ CỦA CHÍNH MÌNH
Năm 1896, Kokichi nhận được bằng sáng chế cho phương pháp nuôi cấy ngọc trai, thế nhưng không phải ai cũng đón nhận “đứa con tinh thần” này của ông. Năm 1921, một bài báo ở London tuyên bố chúng là hàng nhái của ngọc trai thật và cáo buộc rằng việc gọi chúng là ngọc trai, dù là thuộc bất kỳ loại nào, cũng là một sai lầm. Kokichi Mikimoto đã đệ đơn kiện lên tòa án Paris, sau nhiều lần công khai, ông đã thắng cuộc. Sự kiện này càng khiến các sản phẩm của ông trở nên nổi tiếng hơn.
NHÀ KINH DOANH ĐẠI TÀI
Kokichi Mikimoto không chỉ là một nhà phát minh mà còn là một nhà tiếp thị bậc thầy. Ông đã tạo ra các thiết kế trang sức lấy cảm hứng từ phong cách Art Deco, mở cửa hàng đầu tiên ở quận Ginza của Tokyo vào năm 1899 và tiếp theo là nhiều cửa hàng khác ở London, Paris và New York. Ông cũng rất biết cách ứng dụng các chiêu trò marketing để thu hút đám đông, chẳng hạn như tạo ra một bản sao kích thước thật của chiếc Chuông Tự do nạm 12.250 viên ngọc trai, được trưng bày tại Hội chợ Thế giới New York năm 1939.
TỪ CỔ ĐIỂN ĐẾN SẮC SẢO
Sau khi nuôi cấy thành công ngọc trai Akoya trắng, Kokichi Mikimoto cũng trở thành người đầu tiên nuôi cấy ngọc trai Biển Nam đen. Những viên ngọc sẫm màu này được giới thiệu trong bộ sưu tập Passionoir mới nhất của công ty với chất liệu bạc mạ rhodium đen, từ đó mang đến cho ngọc trai vẻ đẹp bóng bẩy và hấp dẫn phi giới tính. Công ty cũng hợp tác với Comme Des Garçons để tạo ra các thiết kế ngọc trai mang đậm hơi thở thành thị xen kẽ với các chốt an toàn và các chi tiết gai nhọn.
THEO ĐUỔI GIẤC MƠ ĐẾN CUỐI ĐỜI
Nhờ Kokichi Mikimoto mà Nhật Bản được biết đến là một cường quốc cung cấp ngọc trai Akoya đẹp nhất thế giới. Ông đã không ngừng theo đuổi ước mơ của mình và làm việc hăng say cho đến tận khi qua đời ở tuổi 96 vào năm 1954.