Ra mắt vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng Quartz, Royal Oak dành cho phụ nữ đã đảo ngược các quy tắc thẩm mỹ dành cho chế tác đồng hồ lúc bấy giờ, vì bản thân chiếc đồng hồ đã giữ lại những chi tiết mạnh mẽ vốn thuộc về phái mạnh, như chất liệu thép, khả năng lên cót tự động và những con ốc nổi bật.
NGUỒN GỐC CỦA ĐỒNG HỒ NỮ TẠI AUDEMARS PIGUET
Kể từ năm 1875, hầu hết đồng hồ nữ tại Audemars Piguet được phân biệt bởi hai yếu tố. Thứ nhất là kích thước thanh mảnh vẫn không đổi cho đến ngày nay. Điều này khiến giai đoạn sản xuất trở nên khó khăn hơn, đồng thời yêu cầu bộ máy được thiết kế tinh tế hơn để phù hợp với vẻ ngoài nhỏ nhắn của bộ vỏ.
Thứ hai, đồng hồ dành cho phái đẹp thường được trang trí phong phú, bao gồm bộ vỏ và dây đeo được đính những viên đá quý, ngọc trai v.v… Yếu tố thứ hai dường như kém nhất quán hơn so với yếu tố đầu, vì ngay từ thế kỷ 19, những chiếc đồng hồ được đeo như mặt dây chuyền hiếm khi được nạm kim cương.
TRÊN BỜ VỰC THẢM HỌA
Dự án những chiếc Royal Oak dành cho phụ nữ đầu tiên bắt đầu vào năm 1973. Vào thời điểm đó, thế hệ thứ ba của gia đình sáng lập Audemars và Piguet vẫn đang làm việc trong các xưởng sản xuất Le Brassus. Điều đáng chú ý là nhờ hưởng lợi từ thành công của Royal Oak mà Audemars Piguet đã phất lên như diều gặp gió và tăng từ 84 nhân viên vào năm 1972 lên 125 nhân viên hai năm sau đó, tăng trưởng đột biến gần 50%. Doanh thu tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ đạt 25 triệu franc Thụy Sĩ.
Bất chấp những số liệu tích cực này, bối cảnh toàn cầu vẫn đáng báo động, Năm 1971, Hoa Kỳ từ bỏ đạo luật Bản vị vàng (Gold Standard), làm rung chuyển nền kinh tế thế giới. Sau quyết định của Richard Nixon, đồng đô la không còn được chuyển đổi thành một lượng vàng cố định nữa. Năm 1973, một cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên đã châm ngòi cho thời kỳ bất ổn tiền tệ kéo dài 10 năm, đặc trưng bởi lạm phát phi mã, giá vàng tăng vọt và cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai vào năm 1978. Điều này đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh. Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ hoàn toàn định hướng xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là do giá trị cao của đồng franc Thụy Sĩ. Sự suy yếu này càng trở nên trầm trọng hơn do làn sóng thủy triều của đồng hồ quartz do các công ty điện tử khổng lồ của Nhật Bản và Mỹ sản xuất. Trong mười năm, 1.000 công ty sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã biến mất, khiến 2/3 công nhân mất việc.
Nhờ vào vị trí vốn có và một số quyết định táo bạo, Audemars Piguet phần lớn đã thoát khỏi khủng hoảng, thậm chí tăng gấp đôi số lượng nhân viên của mình trong giai đoạn 1974-1984 và tăng sản lượng từ 9.000 lên 11.000 đồng hồ mỗi năm.
ROYAL OAK II: CUỘC CÁCH MẠNG CỦA SỰ SÁNG TẠO
Chiếc Royal Oak đầu tiên cũng đã gây ra tranh cãi dữ dội vào năm 1972 khi hiển thị các con ốc trên vòng bezel và coi thép như một kim loại quý. Vào thời điểm đó, thép đã được sử dụng trong vô số những chiếc đồng hồ tầm trung, trong khi những chiếc đồng hồ nữ hầu như đều được làm bằng vật liệu sang trọng.
Do đó, việc duy trì những yếu tố trên cho đồng hồ nữ không chỉ được coi là một hành động khiêu khích mà còn như một tuyên ngôn. Georges Golay và Jacques-Louis Audemars đã nhận thức rõ điều này. Họ cũng biết rằng sẽ dễ dàng hơn trong việc chế tạo chiếc đồng hồ này bằng vàng, vật liệu lý tưởng để đính kim cương lên. Cũng giống như việc trang bị cho chiếc đồng hồ bộ máy tự lên cót thu nhỏ sẽ đơn giản và phù hợp với kích thước của chiếc đồng hồ hơn. Tuy nhiên, Audemars Piguet đã chọn con đường không nhượng bộ trong việc phát triển “Royal Oak II”.
MỘT TRONG NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC THIẾT KẾ “IN-HOUSE”
Trong 100 năm tồn tại đầu tiên, Audemars Piguet đã sử dụng các nhà thiết kế bên ngoài để thiết kế đồng hồ của mình. Một trong những người nổi bật nhất trong số đó là Gérald Genta, người đã làm việc với Xưởng sản xuất trong gần 20 năm và thành lập thương hiệu đồng hồ của riêng mình sau khi thiết kế Royal Oak.
Công ty từ năm 1967 đã làm giàu đội ngũ của mình bằng cách tuyển dụng nhà thiết kế Jean-Claude Gueit, người sáng tạo ra khung cảnh “cầu vồng”, giám đốc điều hành của Audemars Piguet đã quyết định tích hợp vai trò này vào công ty. Năm 1972, ông thuê Jean-Fred Meylan, 21 tuổi, quê ở Vallée de Joux, người mà sổ đăng ký nhân viên mô tả là “thợ kim hoàn”. Trong ba năm, Jean-Fred Meylan đã thiết kế nhiều mẫu đồng hồ siêu mỏng với những đường nét thuần khiết, trong đó nổi tiếng nhất là mặt số lấy cảm hứng từ màn hình của những chiếc tivi đầu tiên. Ông đã thiết kế chiếc đồng hồ Audemars Piguet chạy bằng pin đầu tiên, mẫu 6001, được trang bị bộ máy với tần số rất cao.
Từ năm 1975, Audemars Piguet đã hợp tác với một trong những nhà thiết kế nữ đầu tiên trong ngành: Jacqueline Dimier. Có kinh nghiệm hơn Jean-Fred Meylan, bà đã thiết kế phần lớn đồng hồ Audemars Piguet trong 24 năm.
THÀNH QUẢ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN
Royal Oak 8638 đã thành công ngay lập tức. đến nỗi các nhà máy phải tăng hết công suất để đáp ứng nhu cầu của giới mộ điệu. Năm 1976, 428 chiếc đồng hồ đã được bán và năm sau, 765 chiếc rời Le Brassus. Con số này đã gần chạm mốc 1.000 vào năm 1978. Thành công của Royal Oak II biến mẫu đồng hồ trở thành tâm điểm trên tất cả những thiết kế của Audemars Piguet lúc bấy giờ. Đến năm 1976, số lượng đồng hồ nữ được cung cấp đã tăng 55%, hơn ¼ tổng sản lượng đồng hồ và đạt 1/3 một năm sau đó.
Năm 1977 chứng kiến sự xuất hiện của những chiếc Royal Oak bằng vàng đầu tiên. Một số người lo sợ rằng việc thay đổi chất liệu nguyên bản sẽ làm giảm đi tính mạnh mẽ của Royal Oak. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại. Mẫu 8638BA bằng vàng rất được giới mộ điệu đón nhận từ năm 1977, với 112 chiếc đồng hồ được bán ra và doanh số trung bình khoảng 250 chiếc một năm. Phiên bản đặc biệt kết hợp vật liệu giữa thép và vàng 8638SA đã tạo nên một cú hit lớn trong giới đồng hồ, với 283 chiếc được bán trong năm phát hành, con số này đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm sau đó.