Hồng ngọc Miến Điện, hay còn gọi là “Burmese ruby”, từ lâu đã được biết đến như một trong những loại đá quý đẹp nhất thế gian, khiến cho những bậc vua chúa xa xưa lẫn những tay săn đá quý lão luyện thời hiện đại cũng phải thèm khát. Với hơn 2.000 năm lịch sử, hồng ngọc Miến Điện chính là báu vật được săn lùng nhiều nhất trên thị trường toàn cầu ngày nay, đặc biệt là những viên có nguồn gốc từ Thung lũng Mogok thần bí, “quê hương” của khoản 90% tổng số hồng ngọc đang lưu lạc trên địa cầu.

L

ịch sử của hồng ngọc Miến Điện gắn liền với bối cảnh chính trị phức tạp của đất nước này. Trước thế kỷ 19, chỉ có người dân Miến Điện mới có quyền tiếp cận các mỏ hồng ngọc. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, người Anh đã sáp nhập miền Bắc Myanmar và kiểm soát những mỏ đá quý hiếm này. Do những vấn đề chính trị gần đây, việc buôn bán hồng ngọc sang Hoa Kỳ đã bị cấm cho đến năm 2016. Hiện nay, nguồn hồng ngọc từ các mỏ ở Myanmar đã cạn kiệt hoàn toàn, và sự hiếm có của hồng ngọc Miến Điện thực sự khiến loại đá quý này trở nên hấp dẫn đối với các nhà sưu tập và những người yêu thích đá quý trên toàn thế giới.

Hồng ngọc đã được những bậc quân vương lẫn giới quý tộc ngưỡng mộ trong hàng ngàn năm. Trong tiếng Phạn cổ, hồng ngọc được gọi là “Ratnaraj”, có nghĩa là “Vua của các viên đá quý”. Chúng được các chiến binh cổ đại mang bên mình với ý nghĩa bảo hộ, đồng thời cũng được vua chúa sử dụng như một biểu tượng của sự vĩ đại. Tại châu Âu, hồng ngọc vẫn giữ được vị trí quan trọng trong giới quý tộc, thường xuyên được sử dụng trong các trang sức dành cho buổi lễ đăng quang. Nhiều người châu Âu thời trung cổ đeo hồng ngọc với hy vọng sẽ mang lại sức khỏe, sự giàu có, trí tuệ và thành công trong tình yêu.

Một số loại đá quý có liên quan chặt chẽ đến nơi xuất xứ hàng đầu của chúng đến nỗi chỉ cần nhắc đến nguồn gốc của chúng là có thể gợi lên hình ảnh về vẻ đẹp đặc trưng. Ví dụ, khi nhắc đến kim cương Golconda thì ngay lập tức hình ảnh những viên kim cương trong suốt, không màu hiện lên trong tâm trí chúng ta. Ngọc lục bảo Colombia ghi dấu ấn sâu đậm như những tinh thể xanh lục rực rỡ đầy thú vị. Đá sapphire Kashmir — cụ thể là vương quốc Kashmir và Jammu, mang sắc màu xanh nhung mịn mãnh liệt không giống như đá sapphire được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Và bạn không thể nghĩ đến kim cương hồng mà không nghĩ đến mỏ Argyle. Vì vậy, khi bạn nói đến hồng ngọc, có lẽ bạn đang nghĩ đến hồng ngọc Miến Điện — đặc biệt là từ thung lũng Mogok.

Thị trấn cổ 800 năm tuổi Mogok chỉ dài bốn dặm, nhưng lại nổi tiếng khắp thế giới với những viên hồng ngọc đỏ tươi mà những người sành sỏi thèm muốn. Dân số đa dạng của Mogok bao gồm người Miến Điện, Shan, Palaung và các nhóm dân tộc Phật giáo khác cũng như người Ghurkas theo đạo Hindu Nepal, chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa Lisu và một số ít người Hồi giáo, người Sikh và người Âu Á. Bất chấp sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, chính trị và lịch sử, người dân của cộng đồng khai thác đá quý lịch sử này đã chung sống hòa bình trong hàng trăm năm. Sản lượng khai thác của Mogok đạt đến đỉnh cao khi người ta tìm ra viên Ruby Sunrise 25,59 carat trị giá 30,4 triệu đô la.

MA THUẬT CỦA “HUYẾT BỒ CÂU”

Hồng ngọc Miến Điện đẹp nhất khi sở hữu màu đỏ đậm, gọi là “pigeon blood red” – huyết bồ câu. Màu sắc này được mô tả là đỏ tím hoặc đỏ hồng đậm, có được nhờ vào mức độ chromium có trong viên đá. Hồng ngọc càng nhiều chromium, màu đỏ của nó càng mãnh liệt. Thuật ngữ “pigeon blood” có nguồn gốc từ dân gian Miến Điện, trong khi một số truyền thuyết khác cho rằng cái tên này liên quan đến màu đỏ ngay trung tâm đôi mắt loài bồ câu. Khi khai thác hồng ngọc Miến Điện, điều quan trọng là phải tìm những viên đá chưa được xử lý nhiệt. Đây là phương pháp phổ biến nhằm làm đậm thêm màu sắc và tăng vẻ lấp lánh của đá, tuy nhiên, lại làm giảm giá trị của nó và lấy đi vẻ đẹp tự nhiên.

4C CỦA HỒNG NGỌC MIẾN ĐIỆN

Cắt (Cut): Các giác cắt phổ biến nhất dùng trên hồng ngọc Miến Điện là giác cắt hình đệm (cushion cut) hoặc hình oval. Đây là những hình dạng phổ biến làm tăng sự rực rỡ và giảm thiểu lãng phí khi cắt đá. Kiểu cắt hỗn hợp (mixed cut) cũng được ưa chuộng vì tạo ra sự lấp lánh từ giác cắt tròn, đồng thời làm nổi bật màu sắc của hồng ngọc.

Màu sắc (Color): Màu sắc là yếu tố quan trọng nhất khi tìm kiếm hồng ngọc Miến Điện. Hồng ngọc huyết bồ câu được coi là quý hiếm và có giá trị nhất nhờ vào màu đỏ đậm, độ trong suốt và ít tạp chất.

Độ Trong Suốt (Clarity): Hồng ngọc Miến Điện nổi bật vì có độ trong suốt cao nhất trong tất cả các loại hồng ngọc. Trong khi hầu hết hồng ngọc có một số tạp chất hoặc khuyết tật bên trong do quá trình hình thành tự nhiên, hồng ngọc Miến Điện sẽ có tạp chất khoáng rất mỏng. Chúng thường xuất hiện như những sợi dài mỏng, được gọi là “silk”. Các chuyên gia khuyên bạn nên tìm hồng ngọc Miến Điện có độ trong suốt từ VS1-VS2.

Carat (Trọng lượng): Một trong những yếu tố quan trọng khi chọn hồng ngọc Miến Điện là trọng lượng carat. Với hồng ngọc, trọng lượng carat được ghi ở phía dưới viên đá. Do đó, viên đá sẽ có kích thước nhỏ hơn so với viên kim cương cùng trọng lượng. Hãy ý bắt đầu từ hồng ngọc 3 carat, và 5 carat là con số hoàn hảo để sưu tầm.

BÀ HOÀNG TRONG NHỮNG CUỘC ĐẤU GIÁ

Hồng ngọc Miến Điện rất được ưa chuộng tại các cuộc đấu giá. Một viên huyết bồ câu có thể có giá cao hơn một viên kim cương cùng trọng lượng, tùy thuộc vào kích thước và chất lượng. Một trong những viên hồng ngọc Miến Điện đắt nhất từng được bán tại đấu giá Sotheby’s là Sunrise Ruby, chế tác bởi Cartier và đạt mức giá 28,25 triệu CHF vào năm 2015, tương đương khoảng 32 triệu đô la Mỹ. Viên hồng ngọc này có trọng lượng 25,59 carat và chưa qua xử lý nhiệt. Một phi vụ hồng ngọc nổi bật khác là chiếc nhẫn nạm hồng ngọc và kim cương 24,70 carat, đã được bán với giá 86 triệu HKD vào năm 2018, khoảng 11 triệu đô la Mỹ. Viên huyết bồ câu này được bao quanh bởi 16 viên kim cương quả lê, mỗi viên từ 1,73-1,07 carat, tất cả đều nước D và gần như hoàn hảo. Vào tháng 12 năm 2015, Christie’s Hong Kong đã chào bán một chiếc nhẫn kim cương và hồng ngọc Miến Điện đặc biệt nặng 15,04 carat được gọi là ‘The Crimson Flame’, với giá 18,5 triệu đô la. Ratnaraj Ruby, một chiếc nhẫn nạm viên huyết bồ câu tuyệt đẹp nặng 10,05 carat được tạo ra bởi Faidee đã được bán với giá 10,2 triệu đô la tại Christie’s ở Hong Kong vào năm 2016.

Những giao dịch bán hồng ngọc Miến Điện thiết lập kỷ lục này cho thấy sức hút và giá trị của loại đá quý chưa qua xử lý này.

BẠN SẼ THÍCH

ĐÁ QUÝ

BOUCHERON’S HISTOIRE DE STYLE 2025
Tụng Ca Thiên Nhiên Hùng Vĩ

ĐÁ QUÝ

THE OSCARS’ BEST JEWELRY
Hào Quang Kim Cương Tỏa Sáng

ĐÁ QUÝ

CHOPARD INSOFU
Trường Ca Của Ngọc Lục Bảo

ĐÁ QUÝ

BOUCHERON
Carte Blanche Or Bleu Collection

ĐÁ QUÝ

CARTIER
Nature Sauvage