Dường như thị trường đồng hồ Việt Nam đã đủ “chín muồi” khi mà những sự kiện quan trọng trong ngành đồng hồ thế giới lần lượt “đổ bộ”, trong đó có triển lãm GPHG 2024 với tổng cộng 90 chiếc đồng hồ xuất sắc được tổ chức tại Nhà hát Opera TP. HCM. Nhân dịp này, ấn phẩm Thời Gian đã có cơ hội cùng trò chuyện với ngài Raymond Loretan, Chủ tịch GPHG và cô Carine Maillard, Giám đốc GPHG về hành trình gắn bó của họ với giải thưởng, cũng như những nét đặc sắc trong phiên triển lãm đã được giới mộ điệu đồng hồ tại Việt Nam chờ đợi từ lâu.

TRƯỚC HẾT, XIN CHÚC MỪNG NGÀI RAYMOND LORETAN CÔ CARINE MAILLARD VÌ ĐÃ THÀNH CÔNG MANG TRIỂN LÃM ĐẦU TIÊN CỦA GPHG ĐẾN VỚI VIỆT NAM! CHÚNG TÔI ĐÃ HÁO HỨC CHỜ ĐỢI SỰ KIỆN NÀY TỪ RẤT LÂU RỒI. TRƯỚC HẾT, NGÀI CÓ THỂ GIẢI THÍCH LÝ DO KHIẾN QUÁ TRÌNH NÀY MẤT NHIỀU THỜI GIAN NHƯ VẬY? VÀ TẠI SAO HỘI ĐỒNG GPHG LẠI CHỌN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THAY VÌ CÁC THÀNH PHỐ KHÁC?

Mr. Raymond Loretan: Vâng, bạn biết đấy, mọi thứ luôn có thời điểm thích hợp, vì vậy không hẳn là bởi thời gian chờ đợi quá lâu mà là do thời điểm thích hợp chưa đến. Việt Nam vẫn là một quốc gia trẻ đang chờ đợi ngành công nghiệp đồng hồ chú ý đến, và cho đến nay, thị trường này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của nhóm khách hàng đam mê đồng hồ. Tiếp đến, chúng tôi cần có một đối tác thích hợp để tổ chức triển lãm GPHG, bởi chúng tôi là một tổ chức nhỏ tại Geneva và đối tác này lại ở tại Việt Nam. The Hour Glass hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu này vì họ đã hoạt động tại thị trường trong một thời gian dài. Có thể nói, đây là giai đoạn hoàn hảo: thị trường Việt Nam đã đủ trưởng thành để chào đón chúng tôi đến đây.

Ms. Carine Maillard: Thực ra, chúng tôi đã nghĩ đến việc tổ chức một cuộc triển lãm vào năm ngoái nhưng vấn đề được đặt ra là thủ tục hải quan. Chúng tôi khó có thể dễ dàng nhập cảnh Việt Nam với khoảng 90 chiếc đồng hồ, điều này không giống như tại các quốc gia khác như Hồng Kông, và việc tìm hiểu về các thủ tục hải quan rất mất thời gian. Chúng tôi muốn lựa chọn đúng thời điểm, như Raymond đã nói, để đảm bảo rằng GPHG không chỉ có thể tổ chức trưng bày tại một cửa hàng top đầu mà còn tại một địa điểm như Nhà hát Opera, hoặc một nơi dành riêng cho nghệ thuật để tiếp cận rộng rãi đến công chúng.

ÔNG CÓ THỂ CHIA SẼ VỀ SỰ KHÁC BIỆT CỦA TRIỂN LÃM GPHG TẠI VIỆT NAM SO VỚI TRIỂN LÃM TẠI CÁC QUỐC GIA KHÁC?

Mr. Raymond Loretan: Đây là một phiên triển lãm độc đáo, bởi lẽ lần đầu tiên những chiếc đồng hồ trang giải được trưng bày cả trong không gian riêng tư lẫn không gian công cộng. Chúng tôi luôn muốn hướng đến một phương thức triển lãm hoàn toàn mới từ vài năm trước và khao khát để chúng được chiêm ngưỡng trực tiếp như những tác phẩm nghệ thuật nghệ thuật thực sự mà không bị ngăn cách bởi lớp kính dày. Một điều độc đáo nữa là sự kiện được tổ chức tại nhà hát Opera TP. HCM – một địa điểm mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo của Việt Nam.

XU HƯỚNG ĐỒNG HỒ NĂM NAY ĐÃ ĐƯỢC PHẢN ÁNH THẾ NÀO QUA 90 CHIẾC ĐỒNG HỒ TRANH GIẢI?

Ms. Carine Maillard: Với tận 90 mẫu đồng hồ, GPHG mang đức một bức tranh toàn cảnh gói gọn sự đa dạng của ngành chế tạo đồng hồ ngày nay, và xu hướng cũng được thể hiện qua cách chúng tôi phân chia các hạng mục. Khi ghé thăm triển lãm, bạn có thể thấy được những chiếc đồng hồ siêu mỏng, đồng hồ trang sức; hoặc xu hướng hợp tác giữa các thương hiệu lớn như Louis Vuitton và Akrivia, MB&F và nhiều tên tuổi khác. Năm nay, chúng tôi ra mắt một danh mục giải thưởng mới là Only Time dành riêng cho những mẫu đồng hồ cơ bản bình thường, thanh lịch và cổ điển, với 2 hoặc 3 kim và không có biến chứng phức tạp. Time Only năm nay sẽ thay thế cho danh mục Mechanical Watch năm ngoái, nhưng cũng có thể Mechanical Watch sẽ “tái xuất” vào 2 hoặc 3 năm nữa chứ hoàn toàn không bị chúng tôi loại bỏ, tất cả là tùy thuộc vào các nhà chế tác đồng hồ.

Mr. Raymond Loretan: Chúng tôi cũng đưa ra giải thưởng (không phải là một hạng mục) Eco Innovation để tôn vinh những chiếc đồng hồ bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc, từ đó phát ra tín hiệu rằng ngành đồng hồ cần phải đi theo định hướng này để bảo vệ môi trường lẫn các tiêu chí ESG. Một mặt, chúng tôi quan sát các xu hướng, mặt khác chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các xu hướng phát triển.

NGÀI RAYMOND LORETAN CÔ CARINE MAILLARD CÓ THỂ CHIA SẺ VỀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC MÀ HAI VỊ CHO LÀ ĐÁNG NHỚ NHẤT CỦA GIẢI THƯỞNG GPHG QUA CÁC NĂM?

Mr. Raymond Loretan: Đối với tôi, việc thành lập học viện GPHG (GPHG Academy) vào năm 2020 thực sự là một cuộc cách mạng. Hãy thử tưởng tượng nhé: đây là một mạng lưới hơn một nghìn người trên khắp thế giới đang hỗ trợ cho giải thưởng trong công cuộc lựa chọn đồng hồ được đề cử, v.v. và xa hơn là thúc đẩy nhận thức, giáo dục. Họ có thể là những thợ đồng hồ rất trẻ tuổi hoặc là những nghệ nhân lâu năm, giám đốc điều hành của những thương hiệu lớn. Học viện chính là sự công nhận dành cho những cá nhân xuất sắc này.

Ms. Carine Maillard: Đối với tôi, đó luôn là buổi lễ trao giải GPHG hàng năm, khi tất cả mọi người cũng bước lên sân khấu và thậm chí họ còn òa khóc vì xúc động. Khoảnh khắc ấy thật đáng nhớ.

CÂU HỎI CUỐI CÙNG, HAI VỊ CÓ LỜI KHUYÊN NÀO CHO CÁC TÊN TUỔI ĐỒNG HỒ MỚI ĐANG MUỐN ĐĂNG KÝ TRANH GIẢI TẠI GPHG?

Mr. Raymond Loretan: lời khuyên duy nhất của tôi là hãy cứ mạnh dạn thử. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm bạn, chỉ đơn giản là mạnh dạn tham gia, vì bạn không thể cân nhắc việc có đoạt giải hay không: điều này phụ thuộc vào hội đồng đánh giá và nhiều yếu tố khác. Tất cả những gì bạn có thể làm là can đảm tham gia với chúng tôi và đừng lo lắng về bất kỳ rủi ro nào khác. Ngay cả khi không thể giành được chiến thắng, bạn vẫn có thể giành được sự chú ý của công chúng. Có rất nhiều nhà chế tác tham gia cùng chúng tôi trong các tour triển lãm – điều này hoàn toàn được cho phép. Họ có thể trực tiếp đứng cạnh thiết kế của mình và giới thiệu chúng đến với khách hàng. Hãy cứ không ngừng sáng tạo và thử nghiệm mọi cách có thể.

XIN CẢM ƠN HAI VỊ VỀ CUỘC TRÒ CHUYỆN NÀY.

BẠN SẼ THÍCH

DOANH NHÂN TÀI NĂNG

BENJAMIN CHEE
Kỳ Tích Đồng Hồ Từ Quốc Đảo Singapore

BẠN CỦA THƯƠNG HIỆU

ROLEX & US OPEN 2024
Trò Chuyện Cùng Các Tay Vợt Cừ Khôi

NHÀ THIẾT KẾ NỔI TIẾNG

CHEN FENWAN
Phép Màu Của Nghệ Thuật Thị Giác

NHÀ THIẾT KẾ NỔI TIẾNG

FRANÇOIS – PAUL JOURNE & REXHEP REXHEPI
Những Thiên Tài Đồng Hồ Độc Lập

DOANH NHÂN TÀI NĂNG

MARIE LAURE TRICHARD
Củng Cố Kết Nối Cùng Nước Pháp