Biến đổi khí hậu đang là một thực trạng đáng báo động diễn ra trên hành tinh xanh, và lối sống xa hoa chính là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên thực trạng đó. Rất nhiều thương hiệu đồng hồ và trang sức cao cấp đã bắt tay triển khai nhiều hoạt động bền vững để giảm thiểu tác hại gây nên trong quá trình sản xuất hàng xa xỉ, cũng như dần dần chuyển đôi mô hình hoạt động theo hường bền vững. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của chúng ta – công chúng và những người tiêu dùng – liệu rằng những động thái này có thật sự hiệu quả?
T
rong thế giới đồng hồ, Ulysse Nardin là một trong những nhà tiên phong phát triển bền vững khi sử dụng lưới đánh cá để sản xuất một trong những chiếc đồng hồ được sản xuất theo hướng “xanh” nhất trên thị trường hiện nay – Diver Norrøna Arctic Night (Ref 1183-170LE-2A-ARC-0A). Không hề kém cạnh, sáng kiến Hành tinh vĩnh cửu của Rolex được ra đời nhằm giải quyết vấn đề môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta để truyền lại cho các thế hệ tương lai. Nhiều thương hiệu đồng hồ xa xỉ cũng đang nỗ lực giảm lượng khí thải carbon; chẳng hạn như Richard Mille đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc trung hòa carbon và vào năm 2015 có chứng nhận ISO 14064 về định lượng và quản lý khí nhà kính (về mức bằng 0) phát ra từ các cơ sở sản xuất ở Thụy Sỹ.Trong khi đó, Hội đồng Trang sức có trách nhiệm (RJC), với hơn 1.700 thành viên ở 71 quốc gia, được thành lập để thúc đẩy các hoạt động đạo đức, xã hội và thân thiện với môi trường trong chuỗi cung ứng trang sức. Ví dụ, Chopard, một trong những thành viên đầu tiên của RJC từ năm 2010, đã đưa ra chiến lược xa xỉ bền vững, tập trung vào tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô một cách có trách nhiệm, đầu tư vào phúc lợi của nhân viên và nâng cao nhận thức về nhu cầu bảo vệ môi trường.
NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRONG NGÀNH ĐANG NỖ LỰC NHẤT QUÁN ĐỂ BẢO VỆ TRÁI ĐẤT, NHƯNG LIỆU RẰNG NỖ LỰC MÀ HỌ BỎ RA CÓ THẬT SỰ HIỆU QUẢ?
Các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trước tiên, chúng ta hãy xem xét góc nhìn của Rajarshi Ray – một chuyên gia về hành động vì khí hậu, tính toán khí nhà kính và quản lý carbon. Dự án gần đây nhất của anh là phát triển chiến lược bền vững cho một hãng đồng hồ Thụy Sỹ danh tiếng, do đó anh hoàn toàn có thể đưa ra nhận xét chuẩn xác về những mối lo ngại mà ngành công nghiệp xa xỉ phải đối mặt. Rajarshi khẳng định rằng việc các công ty trang sức và đồng hồ xa xỉ có thực sự tạo ra những sản phẩm bền vững hay không có liên quan rất lớn đến các nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư không thể tìm ra những xưởng chế tác đồng hồ hoặc các hãng cao cấp phù hợp trong thời điểm hiện tại, họ sẽ nhanh chóng mất đi hứng thú tài trợ cho hoạt động kinh doanh này.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính phủ, nhà hoạch định chính sách và thậm chí cả công chúng có thể truy cập các báo cáo bền vững do một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu có tên là Carbon Disclosure Project (CDP) thực hiện. Một chuyên gia quản lý nguồn nước giấu tên tại Vương quốc Anh cho biết: “CDP là một hệ thống chấm điểm các công ty về mức độ họ thực hiện tốt các thông số về nguồn nước, lâm nghiệp và biến đổi khí hậu; và khía cạnh biến đổi khí hậu tập trung chủ yếu vào lượng khí thải carbon”. Cô đã tập trung nỗ lực tìm hiểu tác động môi trường trong quá trình quản lý cũng như sử dụng nước của các thương hiệu FMCG, công ty khai thác mỏ, công ty tiện ích và hóa chất hàng đầu. CDP điều tra tác động của phát thải carbon và rủi ro biến đổi khí hậu dưới sự điều hành bởi một Ban giám đốc độc lập, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình kiểm toán. Kết quả là, các hãng sản xuất đồng hồ và thương hiệu xa xỉ phẩm đều nằm dưới sự giám sát của họ, khiến cho toàn bộ ngành này được đặt dưới áp lực thay đổi theo hướng bền vững hơn bao giờ hết. Một trong số các thông số chính là họ sử dụng trong quá trình điều tra là quy trình khai thác của các thương hiệu, điều này được hãng đồng hồ Breitling đặc biệt ủng hộ. Theo họ, các thương hiệu không thể bàn đến vấn đề bền vững nếu bỏ qua việc truy xuất nguồn gốc, đồng nghĩa với việc hãng cần phải minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu thô (vàng, kim cương, kim loại quý, đá quý, …) trong chuỗi cung ứng. Trong nhiều thập kỷ qua, các phương pháp sử dụng để khai thác quý như vàng, bạch kim và bạc không hề thay đổi; gây nên tác động đáng kể đến môi trường.
Các nhà hóa học hiện đại vẫn đang đau đầy tìm cách tạo ra một loại vàng tổng đạt chuẩn về mặt thẩm mỹ lẫn chi phí. Nhưng từ đây cho đến lúc đó, công chúng cần học cách truy xuất nguồn gốc vàng từ vật phẩm xa xỉ mà mình bỏ tiền mua. Một chiếc nhẫn cưới làm bằng vàng 18 karat thường chứa 75% vàng (khoảng 9g), trong khi 25% còn lại là hỗn hợp của đồng và bạc, với các tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào sở thích về vàng hồng, vàng vàng hay vàng trắng. Theo Luke Garcias, chuyên gia tư vấn khai thác mỏ tại Úc, các thợ mỏ phải đào khoảng 22 tấn đất, tương đương sức tải của một xe tải chở hàng tiêu chuẩn, để có được số vàng này. Hoạt động này dẫn đến một số vấn đề môi trường, bao gồm xói mòn đất, phá rừng, ô nhiễm nước và không khí. Ngoài ra, quá trình lọc lấy vàng từ đá thải yêu cầu sử dụng các chất hóa học như xyanua và clo gây hại cho môi trường. Một tiến bộ đáng khen ngợi là các thương hiệu giờ đây đang tìm cách sử dụng vàng có độ tinh khiết cao, thường ở dạng màng mỏng, hạt nano hoặc dây nano; song song với việc phát triển kim cương trong nhà kính để giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên. Một ví dụ điển hình cho nỗ lực này là chiếc đồng hồ Breitling Super Chronomat 38 Origins sử dụng vàng có thể truy nguyên đầy đủ và kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm dưới sự giám sát của một bên th ba. Tất cả thông tin được lưu trữ qua blockchain và công khai qua Sourcemap của thương hiệu.
Chưa hết, ngành khai thác vàng cũng có xu hướng sử dụng thủy ngân vì nó dễ dàng kết hợp với vàng để tạo thành hợp kim. Khi thủy ngân đi từ quá trình khai thác đi vào nguồn nước, nó sẽ trực tiếp tham gia vào chuỗi thức ăn thông qua các loài hải sản. Và tất cả chúng ta đều biết rõ điều gì sẽ xảy ra với con người khi tiêu thụ quá nhiều thủy ngân: tổn hại cho thận, hệ thần kinh và thậm chí dẫn đến tử vong. Tác động của các quá trình này đặc biệt rõ ràng ở những nơi như Brazil, Peru và một số vùng ở Tây Phi, nơi đang diễn ra nhiều hoạt động sản xuất vàng.